Tổ chức lương thực và nông nghiệp - FAO là gì?
Tổ chức lương thực và nông nghiệp - FAO là Tổ chức liên chính phủ đồng thời là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc được thành lập năm 1945, có trụ sở tại Rôma (Italia). Đến nay có hơn 160 nước tham gia tổ chức này.
Việt Nam là thành viên chính thức của FAO từ năm 1988. Mục đích của FAO theo điều lệ là cải thiện chế độ ăn uống và nâng cao mức sống của các dân tộc, tăng sản lượng nông nghiệp và cải thiện hệ thống phân chia lương thực và các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao mức sống của nông dân. Có ngân sách: 100 triệu USD/ năm từ 2 nguồn: hội viên (gần 1 triệu) và Liên hợp quốc (99 triệu). Để đạt được mục đích nêu trên, FAO có chức năng trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển, chuẩn bị và công bố các công trình nghiên cứu, kỹ thuật và thống kê nhiều vấn đề khác nhau như chăn nuôi, trồng trọt, sinh hoạt..., nghiên cứu tình hình lương thực trên thế giới, công bố các số liệu thống kê. Các cơ quan của FAO: - Hội nghị là cơ quan tối cao gồm tất cả các nước thành viên, mỗi thành viên có một đại diện. Hội nghị triệu tập 2 năm 1 lần (trước năm 1949 triệu tập mỗi năm 1 lần). Mỗi khóa họp của Hội nghị giải quyết các vấn đề tồn tại của nông nghiệp trên thế giới, đặt ra đường lối phát triển nông nghiệp và thương mại của các nước, thảo luận các hoạt động trợ cấp của các nước đang phát triển và điều chỉnh các vấn đề pháp lý, điều lệ và hành chính. - Hội đồng là cơ quan chấp hành gồm 49 quốc gia thành viên do Hội nghị bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm và dựa trên nguyên tắc phân bổ hợp lý theo khu vực địa lý. Hội đồng có chức năng tổng kết tình hình phát triển nông nghiệp và lương thực, đề xuất các kiến nghị cho chính phủ các quốc gia thành viên. - Ban thư ký: điều hành công việc hàng ngày của FAO, đứng đầu là tổng giám đốc do Hội nghị bầu ra.
Thư Viện Pháp Luật