Các dấu hiệu cơ bản của tội đua xe trái phép
Tội Đua xe trái phép có các dấu hiệu cơ bản sau đây:
Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội này.
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp nào của điều luật.
Nếu người phạm tội chưa gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác thì phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đua xe trái phép hoặc đã bị kết án về tội đua xe trái phép, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép.
Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Cũng tương tự như đối với tội tổ chức đua xe trái phép, khách thể của tội phạm này vừa xâm phạm đến an toàn công cộng vừa xâm phạm đến trật tự công cộng.
Khác với tội tổ chức đua xe trái phép, đối tượng tác động của tội phạm này không phải là người đua xe, mà là phương tiện dùng để đua là ô tô, xe máy và các loại xe khác có gắn động cơ.
Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi đua xe. Người đua xe trái phép có thể thực hiện một trong các hành vi như: chuẩn bị phương tiện (xe đua) và những điều kiện cần thiết cho cuộc đua, đến nơi tập trung đua, điều khiển xe tham gia cuộc đua.
Trong các hành vi trên thì hành vi điều khiển xe tham gia cuộc đua là hành vi quan trọng nhất, nó là điểm bắt đầu và cũng là điểm kết thúc cho một quá trình thực hiện việc đua xe trái phép. Tội phạm hoàn thành từ khi người phạm tội bắt đầu điều khiển xe tham gia cuộc đua. Nếu người phạm tội đã chuẩn bị phương tiện và những điều kiện cần thiết đang trên đường đến điểm tập trung đua xe bị phát hiện và bị bắt giữ thì chưa cấu thành tội đua xe trái phép mà tùy trường hợp người phạm tội sẽ bị xử phạt hành chính hoặc trên đường đến nơi tập trung người phạm tội cũng lạng lách (đánh võng) trên đường thì có thể bị xử lý vì hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nếu trên đường đến nơi tập trung đua, những người tham gia cuộc đua lại thực hiện một cuộc đua “mi ni” thì hành vi của những người bị coi là hành vi đua xe trái phép, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác thì họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép.
Cũng coi là có hành vi đua xe trái phép nếu lúc đầu người phạm tội chưa có ý định tham gia cuộc đua nhưng khi đoàn đua đi qua đã tự nguyện tham gia vào cuộc đua trên đường đua. Loại hành vi này thường xảy ra ở nhiều cuộc đua trong thời gian vừa qua và cũng là đặc điểm của các cuộc đua xe trái phép ở nước ta.
Người tham gia đua xe trái phép có thể được tổ chức từ trước, nhưng cũng có thể không được tổ chức mà cuộc đua có thể được hình thành trong quá trình tham gia giao thông giữa những người điều khiển xe.\
Chỉ người điều khiển xe tham gia cuộc đua mới là người thực hiện hành vi đua xe, còn người ngồi sau xe đua (nếu có) chỉ là người cổ vũ, họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép mà tùy trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
b) Hậu quả
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hậu quả chưa xảy ra, tức là chưa gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác thì hành vi đua xe trái phép chưa cấu thành tội đua xe trái phép. Tuy nhiên, hành vi đua xe trái phép của người đua xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Như trên đã phân tích thì quy định này chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.
Điều luật chỉ quy định gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác chứ không quy định gây thiệt hại tới mức nào, nên chỉ cần xác định có gây thiệt hại đến sức khỏe và tài sản của người khác là hành vi đua xe trái phép đã cấu thành tội phạm rồi.
Đối với thiệt hại về sức khỏe của người khác cũng cần phải có chứng nhận của cơ quan y tế hoặc giám định tỷ lệ thương tật, nhưng không bắt buộc mọi trường hợp đều phải có giám định tỷ lệ thương tật mà chỉ cần xác nhận của cơ quan y tế là sức khỏe bị tổn hại; nếu có giám định tỷ lệ thương tật thì mức độ thương tật cũng chỉ cần 1% cũng là gây thiệt hại về sức khỏe rồi. Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự theo hướng bỏ tình tiết “gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác” là yếu tố định tội thì càng không nên giải thích hoặc hướng dẫn theo hướng ấn định mức tổn hại cho sức khỏe của người khác do hành vi đua xe trái phép gây ra.
Đối với thiệt hại về tài sản của người khác do hành vi đua xe trái phép gây ra cũng phải được hiểu như đối với trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe của người khác, tức là chỉ cần gây thiệt hại về tài sản mà không cần phải gây thiệt hại tới mức bao nhiêu. Có thể chỉ 100.000 đồng thậm chí dưới 100.000 đồng vẫn bị coi là gây thiệt hại về tài sản.
Nếu gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì tùy trường hợp, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.
c) Các dấu hiệu khách quan khác
Hành vi đua xe được coi là hành vi phạm tội khi hành vi đó không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; nếu việc đua xe được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì không bị coi là tội phạm.
Chỉ coi là hành vi phạm tội đua xe trái phép nếu phương tiện mà người sử dụng vào việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, nếu phương tiện dùng vào việc đua xe là xe thô sơ như xe đạp, xe xích lô thì không bị coi là hành vi phạm tội này. Tuy nhiên, nếu hành vi đua xe thô sơ trái phép gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy trường hợp người đua xe đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng
Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội đua xe trái phép thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Thư Viện Pháp Luật