Hợp đồng dân sự là gì?
Căn cứ pháp lý: Bộ luật dân sự 2005
Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng dân sự được xác lập trên nguyên tắc: tự do giao kết hợp đồng, tức là các bên được tự do thỏa thuận về nội dung hợp đồng, nhưng không được trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội. Hợp đồng dân sự có thể được xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể.
Hợp đồng dân sự là một dạng của giao dịch dân sự.
Theo quy định của pháp luật, mọi chủ thể của luật dân sự đều có thể là các bên trong hợp đồng dân sự.
Hợp đồng dân sự là một trong các căn cứ hợp pháp, phổ biến, thông dụng làm phát sinh các hậu quả pháp lý với các đặc trưng của quan hệ pháp luật dân sự, trong đó, quyền tự định đoạt của các chủ thể tham gia quan hệ được thể hiện đầy đủ nhất.
Nội dung hợp đồng dân sự bao gồm: điều khoản cơ bản, điều khoản thông thường, điều khoản tùy nghi. Điều khoản cơ bản là điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng dân sự, là điều kiện cần và đủ để hình thành hợp đồng dân sự. Điều khoản thông thường là các điều khoản không buộc các bên phải thỏa thuận, vì đã có quy định sẵn trong các văn bản pháp luật, nếu các bên ko thỏa thuận thì sẽ áp dụng theo các quy định của pháp luật hoặc tập quán. Điều khoản tùy nghi là điều khoản do các bên thỏa thuận. Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân thủ các quy định của các văn bản pháp luật liên quan.
Thư Viện Pháp Luật