Các dấu hiệu cơ bản của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn
Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn có các dấu hiệu cơ bản sau đây:
Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn về cơ bản các dấu hiệu của tội phạm cũng tương tự như tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn, điểm khác biệt chủ yếu là ở dấu hiệu về phương tiện và người có trách nhiệm về việc điều động phương tiện đó.
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật về phương tiện giao thông đường sắt mới là chủ thể của tội phạm này.
Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường sắt là người có chức vụ, quyền hạn hoặc tuy không có chức vụ, quyền hạn nhưng do tính chất nghề nghiệp nên có trách nhiệm trong việc điều động phương tiện giao thông đường sắt như: thủ trưởng các đơn vị quản lý, chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, sử dụng phương tiện giao thông đường sắt hoặc người được ủy quyền, hoặc do nghề nghiệp mà có quyền cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.
Nếu hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì người phạm tội phải là người đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm, thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là quy định khác đối với các tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đương bộ không bảo đảm an toàn, vì hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn được coi là nghiêm trọng hơn. Tuy chưa gây thiệt hại nhưng đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm thì vẫn coi là tội phạm.
2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Đối tượng tác động của tội phạm này là phương tiện giao thông đường sắt bao gồm: đầu máy, toa xe và các thiết bị chuyên dùng hoạt động trên đường sắt.
3. Các dấu hiệu thuộc về khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Người phạm tội này chỉ thực hiện một hành vi khách quan đó là “cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt rõ ràng không bảo đảm an toàn”.
Hành vi cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt bằng nhiều hình thức khác nhau như: bằng miệng, bằng văn bản hoặc bằng những hình thức khác cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.
Cho phép, không nhất thiết phải có mối quan hệ giữa xin và cho, mà có thể không ai “xin” nhưng vẫn có hành vi “cho”. Cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt là hành vi quyết định việc đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.
Nếu là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường sắt thì hành vi khách quan của họ là hành vi điều động phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn. Nếu người có trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện này không bảo đảm an toàn mà gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác là hành vi phạm tội.
Nếu là người chịu trách nhiệm trực tiếp về kỹ thuật phương tiện giao thông đường sắt, thì hành vi khách quan của họ là chứng nhận không đúng về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường sắt. Ví dụ: Nguyễn Xuân T là cán bộ chịu trách nhiệm về việc kiểm định kỹ thuật toa xe đã chứng nhận không đúng về tình trạng an toàn của toa xe, nên khi vận chuyển trên đường sắt đã gây tai nạn làm chết người và hư hỏng nặng tài sản.
b) Hậu quả
Khác với các tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông khác, hậu quả do hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn, vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc.
Là dấu hiệu bắt buộc, nếu người phạm tội chưa bị xử lý kỷ luật về hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn. Ngược lại, nếu người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn. Ngược lại, nếu người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện an toàn giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
Hậu quả của hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn là thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
Việc xác định thiệt hại cũng tương tự như đối với tội vi phạm các quy định tại các Điều 202, 203, 204, 205, 208 và 209 Bộ luật hình sự.
Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.
c) Các dấu hiệu khách quan khác
Ngoài hành vi khách quan, đối với tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông đường sắt (các thiết bị, độ an toàn về kỹ thuật, các thông số kỹ thuật theo quy định của các phương tiện đầu máy, toa xe và các thiết bị chuyên dùng hoạt động trên đường sắt…).
Các dấu hiệu khách quan được quy định tại Luật đường sắt.
4. Các dấu hiệu thuộc về chủ quan của tội phạm
Người thực hiện hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả, nhưng chủ yếu là vô ý vì quá tự tin).
Tuy nhiên, cũng như đối với tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn, về nhận thức của người phạm tội trước khi thực hiện hành vi sử dụng phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn, họ phải biết rõ là phương tiện đó không bảo đảm an toàn. Nếu vì lý do nào đó mà họ không biết hoặc không thể biết thì cũng chưa cấu thành tội phạm. Có ý kiến khác cho rằng đối với tội phạm này người thực hiện hành vi do cố ý, vì đã biết rõ là phương tiện không bảo đảm an toàn mà vẫn đưa vào sử dụng. Có thể nói là người phạm tội cố ý thực hiện hành vi nhưng không mong muốn cho hậu quả xảy ra nên cũng không thỏa mãn các dấu hiệu về cố ý phạm tội.
Thư Viện Pháp Luật