Ký hợp đồng với người không phải là người đại diện của công ty có hiệu lực không?

Chào luật sư. Tôi có 1 câu hỏi muốn luật sư giải đáp. Công ty A (Công ty TNHH) có ký kết với công ty B (Công ty cổ phần) một hợp đồng kinh tế và người đại diện ký kết của công ty B là Chủ tịch hội đồng quản trị không phải là người đại diện pháp luật (trong quá trình ký kết Chủ tịch hội đồng quản trị không xuất trình giấy ủy quyền hay điều lệ của Công ty Quy định Chủ tịch hội đồng quản trị có quyền ký kết hợp đồng có giá tri từ bao nhiêu đến bao nhiêu không phải thông qua hội đồng cổ đông). Và trong hợp đồng chỉ ghi: - Căn cứ vào theo các văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành - Căn cứ vào nhu cầu hợp tác cùng phát triển vì mục đích kinh doanh lâu dài bền vững giữa hai bên Vậy hợp đồng đó có hiệu lực không?

Đây là hợp đồng được ký giữa 2 pháp nhân để thực hiện các hoạt động kinh doanh, theo nội dụng bạn trình bày thì người đại diện cho Công ty B ký kết hợp đồng không phải là người đại diện đương nhiên theo pháp luật của Công ty, không có các văn bản ủy quyền hay điều lệ công ty không có quy định người này được ủy quyền ký kết văn bản này.

Theo quy định tại Điều 86 Bộ luật Dân sự thì Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền và nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích kinh doanh của mình. Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự.

Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Dân sự về Đại diện của pháp nhân thì: Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

Do đó, Chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty B không phải là người đại diện theo pháp luật và cũng không phải là người đại diện theo ủy quyền nên không thể nhân danh pháp nhân (Công ty B) trong quan hệ pháp luật (là hợp đồng mua bán) với Công ty A được.

Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty B ký kết hợp đồng với Công ty A mà không có sự ủy quyền của Người đại diện theo pháp luật của Công ty B là giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện. Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Dân sự thì hậu quả của việc này như sau:

Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện (Người địa diện theo pháp luật của Công ty B) trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện (Công ty A) phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó (Công ty B) để trả lời trong một thời hạn nhất định, nếu hết thời hạn này mà không trả lời thì giao dịch đó không phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện (Công ty B) nhưng người không có quyền đại diện (cá nhân ông Chủ tịch HĐQT Công ty B) vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch đối với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện.
Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.

  1.  

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào