Các trường hợp phạm tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn
Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an có các trường hợp cụ thể như sau:
1. Phạm tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn không có các tình tiết định khung hình phạt
Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 210, là cấu thành cơ bản của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn, người phạm tội bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ một năm đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 210, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức đội tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.
Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức, có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để xác định thiệt hại vì thiệt hại do hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn không trực tiếp gây ra mà người trực tiếp gây ra thiệt hại là người điều khiển phương tiện đó.
2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 210
Khoản 2 của điều luật chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đó là “Gây hậu quả rất nghiêm trọng”.
Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 của điều luật, có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn gây ra.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 210, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù). Nếu có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.
3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 210
Khoản 3 của điều luật cũng chỉ quy định một tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đó là “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 của điều luật, có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn gây ra.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 3 Điều 210, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới ba năm tù. Nếu có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.
4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Thư Viện Pháp Luật