Cấu thành tội phạm là gì?
Căn cứ pháp lý: Bộ luật hình sự 1999
Cấu thành tội phạm là Tổng hợp những dấu hiệu cần và đủ, đặc trưng cho tội phạm cụ thể được quy định trong luật.
Mặc dù mỗi tội phạm có thể khác nhau về tính chất và mức độ thể hiện, nhưng trong tất cả các tội phạm có thể rút ra được bốn yếu tố cấu thành chung nhất mà bất kỳ một tội phạm nào cũng phải có, đó là: - Khách thể của tội phạm. - Khách quan của tội phạm. - Chủ quan của tội phạm. - Chủ thể của tội phạm. Mặt khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại. Nếu quan hệ xã hội không bị xâm hại thì không có hành vi nguy hiểm cho xã hội và tất yếu không có tội phạm. Do đó, khi đề cập đến tội phạm thì trước tiên cần phải xác định quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ bị xâm hại. Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm, bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, hoàn cảnh phạm tội… Thông qua biểu hiện bên ngoài ở mặt khách quan của tội phạm có thể đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm được phản ánh qua hình thức động cơ, mục đích của tội phạm. Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội (chủ thể của tội phạm) phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định mà luật hình sự quy định đối với mỗi loại tội phạm. Tội phạm phải được thực hiện bởi một người cụ thể, không có người thực hiện thì không có tội phạm. Tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm đều có tính bắt buộc khi xác định tội phạm.
Thư Viện Pháp Luật