Vì sao người được miễn trách nhiệm hình sự, người phải ngồi tù?
Theo quy định tại Điều 3 của Bộ luật Hình sự năm 1999 về nguyên tắc xử lý, mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.
Pháp luật nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng pháp luật cũng khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
Như vậy, một người dù ở cương vị nào, vị trí nào trong xã hội nếu họ có hành vi phạm tội thì cũng đều bị xử lý như những người khác. Bộ luật Hình sự không có bất kỳ một quy định nào mang tính chất phân biệt đối xử với người phạm tội, không tạo ra bất kỳ “vùng cấm”.
Các quy định khoan hồng được áp dụng bình đẳng cho bất kỳ ai phạm tội nếu họ thuộc trường hợp được pháp luật quy định. Nhân thân chỉ là một trong các khía cạnh để được xem xét khi cho hưởng khoan hồng.
Bộ luật Hình sự không quy định cụ thể những ai, những đối tượng nào được miễn trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định điều kiện được miễn. Theo Điều 25 Bộ luật Hình sự, việc miễn trách nhiệm hình sự được thực hiện khi thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
- Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
- Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.
- Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.
Ngoài những điều kiện có tính nguyên tắc áp dụng cho mọi tội phạm, Bộ luật hình sự còn có quy định trong một số trường hợp đặc biệt, thường gặp dưới đây cũng được miễn trách nhiệm hình sự:
- Người phạm tội đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội một cách tự nguyện và dứt khoát (ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt) đã làm cho tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi không còn (Điều 19).
- Người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 69).
- Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác (Điều 289).
- Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm (Điều 314).
Thư Viện Pháp Luật