Bí mật công nghệ là gì?
Bí mật công nghệ là gì?
Hiện nay Bộ luật Dân sự 2015 hay Luật Sở hữu trí tuệ 2005 chưa có quy định cụ thể khái niệm Bí mật công nghệ là gì. Tuy nhiên, về cơ bản có thể hiểu:
Bí mật công nghệ là phương pháp, cách thức, quy trình chế tạo một sản phẩm được nhiều hơn, tốt hơn hoặc rẻ hơn mà nhà sản xuất giữ bí mật đối với đối thủ cạnh tranh, khi chưa xin văn bằng bảo hộ.
Trường hợp chuyển giao công nghệ, các bên thỏa thuận về phạm vi, mức độ bảo mật đối với công nghệ được chuyển giao; nếu không có thoả thuận thì bên được chuyển giao công nghệ phải giữ bí mật về tất cả các thông tin là nội dung hoặc có liên quan đến công nghệ được chuyển giao trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực như bảo vệ các thông tin bí mật của chính mình.
Bên được chuyển giao công nghệ vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thì phải bồi thường thiệt hại cho bên chuyển giao công nghệ.
Bí mật công nghệ là gì? (Hình từ Internet)
Bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLDTBXH quy định như sau:
Điều 4. Bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ
1. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.
2. Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có thể gồm những nội dung chủ yếu sau:
a) Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
b) Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
c) Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
d) Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
đ) Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
e) Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
3. Khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:
a) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động;
b) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
4. Đối với bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Theo đó, khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật