Dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn
Các dấu hiệu thuộc về khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Người phạm tội này chỉ thực hiện một hành vi khách quan đó là “cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn”.
Hành vi cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy bằng nhiều hình thức khác nhau như bằng miệng, bằng văn bản hoặc bằng các hình thức khác cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy.
Cũng như đối với hành vi cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, không nhất thiết phải có mối liên quan giữa xin và cho, mà có thể không ai xin nhưng vẫn có hành vi “cho”. Cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy là hành vi quyết định việc đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy.
Nếu là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường thủy thì hành vi khách quan của họ là hành vi điều động phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn. Ví dụ: khoản 1 Điều 24 Luật giao thông đường thủy nội địa quy định: đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ có tổng công suất máy chính trên 15 mã lực, phương tiện có sức chứa trên 12 người, khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; phải kẻ hoặc gắn số đăng ký, sơn vạch dấu mớn nước an toàn, số lượng người được phép chở trên phương tiện; phải có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên.
Nếu người có trách nhiệm trực tiếp về việc điều động các phương tiện này không bảo đảm an toàn mà gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác là hành vi phạm tội.
Nếu là người chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật phương tiện giao thông đường thủy, thì hành vi khách quan của họ là chứng nhận không đúng về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thủy. Ví dụ: người đứng đầu cơ quan đăng kiểm phương tiện không bảo đảm an toàn nhưng vẫn kết luận là bảo đảm an toàn để đưa phương tiện vào hoạt động nên xảy ra tai nạn làm chết người.
b) Hậu quả
Cũng như đối với hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn, hậu quả do hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn, vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc.
Là dấu hiệu bắt buộc, nếu người phạm tội chưa bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Ngược lại, nếu người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
Hậu quả của hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn là thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
Việc xác định thiệt hại cũng tương tự như đối với tội vi phạm các quy định tại các Điều 202, 203, 204, 205, 208, 209, 210, 211, 212 và 213 Bộ luật hình sự.
Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.
c) Các dấu hiệu khách quan khác
Ngoài hành vi khách quan, đối với tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông đường thủy như các thiết bị, độ an toàn về kỹ thuật, các thông số kỹ thuật theo quy định của các phương tiện tàu, thuyền, xà lan, bè mảng…
Các dấu hiệu khách quan này được quy định tại Luật giao thông đường thủy nội địa.
Thư Viện Pháp Luật