Công ước của liên hợp quốc về quyền trẻ em là gì?
Công ước của liên hợp quốc về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 sau hơn 10 năm soạn thảo và hoàn chỉnh. Ngày 26/10/1990 Công ước được mở cho các nước ký nhận, kỷ niệm lần thứ 30 Tuyên ngôn về quyền trẻ em (1959 – 1989) và lần thứ 10 năm quốc tế thiếu nhi (1979 – 1989). Việt Nam đã tham gia và là nước thứ 2 trên thế giới và nước đầu tiên ở Châu Á đã phê chuẩn Công ước này (20/2/1990) mà không bảo lưu điều nào.
Công ước gồm 3 phần chính: lời mở đầu nên bật những nguyên tắc cơ bản của Liện hợp quốc khẳng định thực tế cần phải chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ đặc biệt do trẻ em còn non nớt về thể chất và trí tuệ, trách nhiệm hàng đầu của gia đình trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em; tầm quan trọng của các truyền thống, giá trị văn hóa và vai trò của hợp tác quốc tế trong việc thực hiện quyền trẻ em. Phần 1 gồm 41 điều quy định các quyền cụ thể của trẻ em như quyền được sống và phát triển, quyền có họ tên và quốc tịch, quyền được giữ gìn bản sắc, quyền được sống với cha mẹ, đoàn tụ gia đình, quyền tự do biểu đạt, tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, được bảo về đời tư, tự do giao kết, hội họp hòa bình, tiếp xúc thông tin nhiều chiều, được chăm sóc nuôi dưỡng, được nhận làm con nuôi, được giúp đỡ nhân đạo, hưởng an toàn xã hội, được học hành, được hưởng nền văn hóa của mình, sử dụng tiếng nói của mình, nghỉ ngơi, vui chơi, sinh hoạt văn hóa, quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột, vv. và trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc thực hiện các quyền này. Phần 2 và 3 quy định việc thực hiện Công ước. Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt của Công ước là loài người phải dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà mình có, những lợi ích của trẻ em phải được quan tâm đầu tiên, phải chú ý và ưu tiên trước hết cho trẻ em trong mọi vấn đề có liên quan.
Thư Viện Pháp Luật