Dấu hiệu về mặt khách quan của tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy
Các dấu hiệu thuộc về khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Người phạm tội này là người thực hiện hành vi điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.
Điều động là ra lệnh, phân công, chỉ thị cho người khác. Điều động người không đủ điểu kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy là ra lệnh, chỉ thị hoặc phân công những người bị pháp luật cấm điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.
Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy là giao phương tiện giao thông đường thủy cho những người bị pháp luật cấm điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.
b) Hậu quả
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nếu hành vi điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác và người thực hiện hành vi chưa bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích thì chưa cấu thành tội phạm.
Việc xác định thiệt hại cũng tương tự như đối với tội vi phạm các quy định an toàn giao thông tại các Điều 202, 203, 204, 205, 208, 209, 210, 211, 212, 213 và 214 Bộ luật hình sự.
Nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 của điều luật.
c) Các dấu hiệu khách quan khác
Ngoài hành vi khách quan, đối với tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như điều kiện đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Các điều kiện này được quy định tại Luật giao thông đường thủy nội địa.
Theo quy định tại Điều 29 Luật giao thông đường thủy nội địa thì thuyền viên làm việc trên phương tiện phải là người đủ 16 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam; đủ tiêu chuẩn về sức khỏe và được kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm; có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện. Tại Điều 8 Luật giao thông đường thủy nội địa quy định cấm bố trí thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp, v.v..
Thư Viện Pháp Luật