Ép ký giấy vay nợ phạm tội gì?
Thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Như vậy, việc em họ bạn yêu cầu người đàn ông kia viết giấy nhận nợ 100 triệu đồng như bạn mô tả không dựa trên giao dịch có thật, trong tình trạng họ bị cưỡng ép, nên không có giá trị pháp lý.
2. Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội cướp tài sản như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm”.
- Về dấu hiệu khách quan tội cướp tài sản:
+ Hành vi dùng vũ lực: Là hành vi dùng sức mạnh, dùng công cụ, phương tiện tác động vào người khác nhằm đè bẹp và làm tê liệt sự chống cự của người đó nhằm chiếm đoạt tài sản, hành vi dùng vũ lực tác động vào người chủ tài sản hoặc người đang quản lý tài sản.
+ Hành vi dùng vũ lực đe dọa ngay tức khắc: Người phạm tội có những hành động, cử chỉ đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nếu chống cự lại việc chiếm đoạt tài sản, việc đe dọa có thể với chính chủ tài sản hoặc người thân, người lệ thuộc của chủ tài sản. Cần xem xét kỹ yếu tố ngay tức khắc về hoàn cảnh, về thời gian, về tương quan lực lượng…
+ Hành vi làm cho người tấn công không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản như là đầu độc, gây mê…
- Về dấu hiệu chủ quan tội cướp tài sản: Lỗi cố ý
Như vậy, việc em họ bạn và một số bạn bè cố ý đánh đập và lấy của người đàn ông kia chiếc điện thoại Vertu (trị giá khoảng 50 triệu đồng) đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Thư Viện Pháp Luật