Các dấu hiệu cơ bản của tội cản trở giao thông đường không
Tội cản trở giao thông đường không có các dấu hiệu cơ bản sau đây:
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Cũng tương tự như chủ thể của các tội cản trở giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy, chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, nhưng chỉ những người đã đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì là tội phạm được thực hiện do vô ý và không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng như đối với hành vi cản trở giao thông đường sắt, nếu chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường không phải là người đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là an toàn giao thông đường không
Đối tượng tác động của tội phạm này là công trình giao thông đường không bao gồm: sân bay, nhà ga và trang bị, thiết bị, công trình mặt đất cần thiết khác được sử dụng cho tàu bay đi và đến, thực hiện dịch vụ vận chuyển hành không.
3. Các dấu hiệu thuộc về khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Người phạm tội này có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:
- Đặt các chướng ngại vật cản trở giao thông đường không;
- Di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất, hoặc phá hủy các biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không;
- Sử dụng sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc; cung cấp thông tin sai lạc gây nguy hiểm cho chuyến bay;
- Làm hư hỏng trang thiết bị của sân bay hoặc trang thiết bị phụ trợ khác;
- Hành vi khác cản trở giao thông đường không;
Các hành vi trên được liệt kê trên đều đã được quy định tại Luật hành không dân dụng Việt Nam.
Khi xác định hành vi cụ thể cản trở giao thông đường không phải căn cứ vào từng trường hợp và đối chiếu với các quy định của Nhà nước về bảo đảm an toàn bay. Ví dụ: để bảo đảm chuyến bay an toàn, tổ bay đã thông báo mọi người phải tắt điện thoại di động, không được sử dụng các thiết bị điện tử khi máy bay cất cánh, nhưng một số hành khách đã không chấp hành vẫn sử dụng các thiết bị điện tử làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc, nên trong khi chuẩn bị cất cánh máy bay suýt đâm vào một máy bay chuẩn bị hạ cánh trên cùng một đường băng.
b) Hậu quả
Khác với tội vi phạm quy định điều khiển tàu bay, đối với tội cản trở giao thông đường không, nếu hành vi cản trở giao thông đường không mà chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.
Việc xác định thiệt hại cũng tương tự như đối với tội vi phạm quy định về an toàn giao thông.
Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức chúng ta có thể vận dụng Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự đối với Điều 202 để xác định thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi cản trở giao thông đường không gây ra, vì hành vi cản trở giao thông đường không cũng trực tiếp gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tài sản.
c) Các dấu hiệu khách quan khác
Ngoài hành vi khách quan, hậu quả, đối với tội cản trở giao thông đường không, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: công trình giao thông đường không; sân bay, đường băng, các thiết bị báo hiệu như đèn báo, biển báo, biển báo, các thiết bị thông tin liên lạc…
Các dấu hiệu khách quan này cũng được quy định tại Luật hành không dân dụng Việt Nam và các quy định về an toàn bay.
4. Các dấu hiệu thuộc về chủ quan của tội phạm
Cũng như đối với tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông, người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường không là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả, nhưng chủ yếu là vô ý vì quá tự tin).
Thư Viện Pháp Luật