Vay tiền của người khác rồi bỏ trốn để chiếm đoạt, phạm tội gì?

Năm 2013, Trần Mạnh B là cán bộ UBND phường P đã vay tiền của nhiều người sau đó cho những người đến hạn trả nợ ngân hàng vay lại để hưởng chênh lệch. Hàng tháng khi đến hạn, B vẫn trả nợ và lãi suất đúng thời hạn cho những người B vay tiền. Sau đó, B đã chi tiêu một khoản tiền lớn cho việc xây dựng nhà ở, mua sắm ô tô và tham gia chơi cá độ bóng đá nên đến cuối năm 2014, B mất khả năng thanh toán với số tiền lên đến 2 tỷ đồng. Đầu năm 2015, B tiếp tục vay tiền (hơn 2 tỷ đồng) của nhiều người để trả nợ, lãi vay cho những người mà B vay tiền trước đó. Tuy nhiên do số tiền nợ quá lớn (hơn 2 tỷ đồng) nên đầu năm 2016, B mất hoàn toàn khả năng trả nợ, lãi vay cho những người B vay tiền nên bỏ trốn. Đề nghị cho biết Trần Mạnh B bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gì? Mức hình phạt được quy định như thế nào?

Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999  (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như sau: 

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

  a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

  b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này”

Như vậy, căn cứ quy định trên thì hành vi của Trần Mạnh B có dấu hiệu của “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Với việc chiếm đoạt tài sản có giá trị trên 2 tỷ đồng thì Trần Mạnh B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 Điều 140 Bộ luật hình sự nêu trên. Mức hình phạt được áp dụng đối với Trần Mạnh B là bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, Trần Mạnh B còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm sở hữu

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào