Đập phá tài sản của người khác, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự ?

Trần Thanh T sinh năm 1974 ở quận B, thành phố H đã có 2 tiền án về tội chống người thi hành công vụ và băt giữ người trái phép. Ngày 30/3 vừa qua, Trần Thanh T nghĩ việc mình đi tù là do anh Võ Minh P đã tố cáo T cho vay nặng lãi và đâm thuê chém mướn nên T tức giận và đã gọi điện cho anh Nguyễn Văn H ( tức Heo) đến đưa đi nhậu. Cả hai đến nhà anh P, T đứng ở bên ngoài gọi anh P ra để đánh nhau nhưng anh P không mở cửa mà tắt đèn rồi chạy ra phía sau nhà. Chị N (vợ anh P) nói có gì sáng hôm sau giải quyết. T và H không nghe mà đạp cửa xông vào nhà để tìm anh P, nhưng do trời tối nên cả hai không thấy đường. Tức giận T và H dùng tay quơ ngang và quăng xuống đất làm thiệt hại một số tài sản là đồ điện tử, gia dụng (ti vi, tủ lạnh, tủ quân áo..,) và một số nguyên liệu làm hàng cơm của nhà anh P, định giá thiệt hại là 5.690.000 đồng. Xin hỏi hành vi của Trần Thanh T có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Mức hình phạt được quy định như thế nào?

      Điều 143 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” như sau:

“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b)  Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Như vậy, với hành vi đập phá gây thiệt hại tài sản của người khác ( 5.690.000 đồng) thì Trần Thanh T sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 143 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Mức hình phạt được áp dụng đối với Trần Thanh T là bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Ngoài ra Trần Thanh T còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào