Dùng tiền thu được từ hoạt động phạm tội để đầu tư, kinh doanh có bị coi là rửa tiền?

Q là con trai của Trùm buôn, bán ma túy khét tiếng ở khu vực Nghệ An giáp biên giới Lào. Để hợp pháp hóa nguồn gốc khối tài sản khổng lồ là lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp của cha mình, Q đã dùng 100 tỷ đồng của cha mình để đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí tại tỉnh T. Xin hỏi hành vi của Q có bị coi là rửa tiền không?

Khoản 1 Điều 4 luật phòng, chổng rửa tiền quy định: “Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:

a) Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;

b) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

c) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.”

Điều 251 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “Tội rửa tiền” như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền,  tài sản biết rõ là do phạm tội mà cónhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó;

b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà cóvào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn;

g) Thu lợi bất chính lớn;

h) Gây hậu quả nghiêm trọng;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về “Tội rửa tiền” như sau:

“1. Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản là việc thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi dưới đây nhằm che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó:

a) Gửi tiền và mở tài khoản tại ngân hàng;

b) Cầm cố, thế chấp tài sản;

c) Cho vay, ủy thác, thuê, mua tài chính;

d) Chuyển tiền, đổi tiền;

đ) Mua, bán cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác;

e) Phát hành chứng khoán;

g) Phát hành các phương tiện thanh toán;

h) Bảo lãnh và cam kết tài chính, kinh doanh ngoại hối, các công cụ thị trường tiền tệ, chứng khoán có thể chuyển nhượng;

i) Quản lý danh mục đầu tư của cá nhân, tập thể;

k) Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán thanh khoản thay mặt cho cá nhân, tập thể;

l) Đầu tư vốn hoặc tiền cho cá nhân, tập thể;

m) Tiến hành các hoạt động bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến các khoản đầu tư khác;

n) Những hoạt động nhằm tạo sự chuyển đổi, chuyển dịch hoặc thay đổi quyền sở hữu đối với tiền, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

2. Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác là việc dùng tiền, tài sản đó vào các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thành lập công ty, xây dựng trường học, bệnh viện, mua tài sản dưới các hình thức khác nhau hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo.

3. “Phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự là trường hợp rửa tiền từ hai lần trở lên và trong các lần đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Khi áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự cần chú ý:

a) Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

- Có từ 5 lần trở lên thực hiện hành vi phạm tội rửa tiền, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;

- Người phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lấy tài sản thu nhập bất chính do phạm tội mà có làm nguồn sống chính.

b) Trường hợp trong các lần phạm tội nếu có lần phạm tội đã bị kết án mà chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể để xác định người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là:“Phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

5. “Tiền, tài sản có giá trị lớn” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự là tiền, tài sản phạm tội có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

6. “Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 251 Bộ luật hình sự là tiền, tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.

7…”

Như vậy, hành vi sử dụng tiền thu được từ hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp của cha mình để đầu tư, kinh doanh khu vui chơi giải trí của Q đã cấu thành “Tội rửa tiền” được quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Với số tiền bất hợp pháp dùng để đầu tư là 100 tỷ đồng thì Q sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 251 Bộ luật hình sự nêu trên, mức hình phạt là phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm. Ngoài ra Q còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào