Sản xuất bột ngọt và bột giặt giả phạm tội gì?

Dương thị X (thường trú ở quận C) thuê H và T về nhà mình để sản xuất bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto và bột giặt Omo. Với thủ đoạn đổ một bao bột ngọt Trung Quốc loại 25 kg trộn đều với 1 kg muối, 1 kg bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto rồi chia ra thành từng bịch nhỏ. Cũng thủ đoạn đó, H và T lấy một bao bột giặt nhãn hiệu Yes pha trộn với một xô bột giặt Omo thật và 1 kg chất tạo bọt để làm bột giặt Omo. Tổng giá trị bột ngọt và bột giặt mà X, H và T sản xuất là 145 triệu đồng trong đó bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto là 100 triệu đồng còn bột giặt nhãn hiệu Omo là hơn 45 triệu đồng. Số hàng này được X, H và T mang đi tiêu thụ ở các chợ ngoại thành thì bị bắt giữ. Đề nghị cho biết hành vi của X, H và T phạm tội gì? Mức hình phạt được quy định như thế nào?

​Luật An toàn thực phẩm quy định thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm. Ngoài ra, luật còn phân biệt thực phẩm với phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm.

Mặt khác tại Quyết định số 3742 ngày 31/8/2001 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy định Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm thì bột ngọt là chất phụ gia thực phẩm, là chất điều vị có tên khoa học là Monosodium Glutamate. Quyết định cũng quy định rõ phụ gia thực phẩm (food additive) là những chất không được coi là thực phẩm hoặc một thành phần của thực phẩm.

Như vậy, bột ngọt không phải là lương thực, thực phẩm hay thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.

Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” như sau:

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e)  Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

g)  Thu lợi bất chính lớn;

h)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Như vậy, hành vi của X, H và T đã cấu thành “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”. Với giá trị hàng giả là 145 triệu đồng thì X, H và T sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nêu trên. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nhân thân của mỗi người mà X, H, T sẽ bị áp dụng hình phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Ngoài ra, X, H và T còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào