Học sinh lớp 7 đánh nhau phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào?

Cháu tôi năm nay 12 tuổi, đi học tại trường TCCS thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội đánh nhau với một bạn trong lớp. Trong lúc tức giận cháu đã lấy chiếc kéo cắt giấy đâm vào người bạn. Bạn đó đã phải đi viện, được xác định tỷ lệ thương tích là 31%. Gia đình tôi đã đến thăm hỏi và chi trả toàn bộ viện phí cho cháu nhưng gia đình đó cho rằng hành vi của cháu tôi là hành vi nguy hiểm cho xã hội và họ đã làm đơn tố cáo đến công an để yêu cầu cháu phải chịu trách nhiệm hình sự. Cho tôi hỏi cháu tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự không và phải bồi thường thiệt hại như thế nào?

Theo quy định tại Điều 12 Bộ Luật hình sự quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, cháu bạn mới 12 tuổi nên không phải chịu trách nhiệm hình sự khi đánh nhau gây thương tích do vậy cháu bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 606 Bộ luật dân sự 2005 về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân “ Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu”.

Theo Điều 609 Bộ luật dân sự quy định về cách tính mức bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm như sau:

+ Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

+ Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Như vậy, gia đình bạn và gia đình người bị hại thỏa thuận về mức bồi thường nếu không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (khởi kiện vụ án dân sự). Gia đình bạn sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên bị hại theo Bản án của Tòa án.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trung học cơ sở

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào