Làm sao bí mật tố giác tội phạm?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2011: “Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
b) Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình…”.
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo
Điều 31 Luật tố cáo năm 2011 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo như sau:
“1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan có trách nhiệm phối hợp để xác định thẩm quyền giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan chủ trì giải quyết; tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết.
3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”.
Bên cạnh đó, Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định: “Công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác”.
Về việc bảo vệ người tố cáo tội phạm
Theo quy định tại Điều 7 Bộ luật tố tụng hình sự 2003: “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật. Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật”.
Nội dung này còn được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự. Theo đó, người tố giác tội phạm và người thân thích của họ sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng bảo vệ khi có yêu cầu bằng văn bản.
Tóm lại, trong trường hợp của bạn nếu thấy nhóm thanh niên tụ tập gây ồn ào ảnh hưởng đến nhà mình và hành vi của nhóm thanh niên này có dấu hiệu tội phạm, bạn có thể đến trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo cho cơ quan điều tra; viện kiểm sát; toà án hoặc với chính quyền địa phương để các cơ quan này xem xét giải quyết (khoản 3 Điều 31 Luật tố cáo 2011).
Cũng theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, khi bạn tố giác tội phạm với cơ quan có thẩm quyền và có yêu cầu bảo vệ bằng văn bản, tính mạng, sức khỏe, tài sản của bạn và người thân thích sẽ được các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ, đồng thời mọi thông tin cá nhân, bút tích của bạn sẽ được giữ bí mật.
Thư Viện Pháp Luật