Xác định tài sản chung khi ly hôn
Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.”
Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn như sau: “Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó”.
Điều 23 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/ 2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định về quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ, chồng như sau: “Khi ly hôn, quyền sử dụng đất mà mỗi bên có được trước khi kết hôn do được chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, nhận thế chấp hoặc quyền sử dụng đất mà mỗi bên được nhà nước giao, được cho thuê trước khi kết hôn vẫn là tài sản riêng của mỗi bên; quyền sử dụng đất của bên nào vẫn thuộc về bên đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định: “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng ký quyền sở hữu trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng, thì vợ chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó để ghi tên của cả vợ và chồng; nếu vợ chồng không yêu cầu cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản, thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của mình, thì có nghĩa vụ chứng minh”.
Đồng thời, Điểm B, Mục 3 Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng khoản 2 Điều 27 Luật Luật Hôn nhân và gia đình như sau: “Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng. Trong trường hợp không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này là tài sản riêng thì tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.
Như vậy, nội dung anh hỏi có 2 trường hợp xảy ra:
Một là: Mảnh đất anh đứng tên cho con gái là tài sản mà anh có được trước khi kết hôn do được chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, nhận thế chấp hoặc quyền sử dụng đất mà anh được nhà nước giao, được cho thuê thì mảnh đất đó là tài sản riêng của anh.
Hai là: Nếu mảnh đất đó mà vợ chồng anh có được trong thời kỳ hôn nhân, nếu có tranh chấp là tài sản riêng của anh thì anh phải chứng minh được tài sản này do anh được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng của anh. Trường hợp anh không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này là tài sản riêng, thì tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.
Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn như sau:
“1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.
…
3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Việc chia tài sản chung của vợ chồng, trong đó có quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở khi ly hôn thực hiện theo nguyên tắc chia đôi nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này.
Thư Viện Pháp Luật