Trách nhiệm của người được giao bảo quản tài sản đã kê biên
Việc bảo quản tài sản thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Theo đó việc bảo quản tài sản thi hành án được thực hiện bằng một trong các hình thức: (1) Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ hoặc chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của của người phải thi hành án hoặc người đang sử dụng, bảo quản; (2) Cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản; (3) Bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự. Tài sản là kim khí quý, đá quý, tiền hoặc giấy tờ có giá được bảo quản tại Kho bạc nhà nước.
Do vậy, Ngân hàng B đã có văn bản đề nghị giao tài sản đã kê biên cho Ngân hàng bảo quản để phòng tránh trường hợp Công ty B sử dụng làm hư hỏng, hao mòn hoặc tẩu tán tài sản nhưng cơ quan thi hành án giao tài sản cho Công ty B tiếp tục bảo quản do Công ty B đang sử dụng, quản lý tài sản đó là không sai.
Việc giao bảo quản tài sản phải được lập biên bản ghi rõ loại tài sản, tình trạng tài sản, giờ, ngày, tháng, năm giao; họ, tên Chấp hành viên, đương sự, người được giao bảo quản, người làm chứng, nếu có; quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản và có chữ ký của các bên. Trường hợp có người từ chối ký thì phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do. Biên bản giao bảo quản tài sản được giao cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người được giao bảo quản tài sản hoặc người đang sử dụng, bảo quản tài sản và lưu hồ sơ thi hành án.
Công ty B được giao bảo quản tài sản nếu vi phạm quy định của pháp luật trong việc bảo quản tài sản dẫn đến tại thời điểm xử lý bán tài sản, tài sản bị hao mòn, hư hỏng do sử dụng không còn giá trị như tại thời điểm định giá thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật