Xét xử oan, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Theo quy định tại khoản 2 điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp: “Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội”.
Ngoài ra, điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về trách nhiệm bồi thường của Toà án nhân dân trong hoạt động tố tụng hình sự cũng quy định Toà án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp “Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội”. Như vậy Tòa án đã xét xử phúc thẩm và tuyên cháu bạn có tội sẽ là Tòa án phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Để được bồi thường, cháu bạn cần gửi đơn yêu cầu bồi thường đến Tòa án cấp phúc thẩm. Đơn yêu cầu bồi thường có các nội dung chính sau đây: Họ và tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường thiệt hại; lý do yêu cầu bồi thường; thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường. Kèm theo đơn yêu cầu bồi thường phải có bản án, quyết định xác định cháu bạn không có tội và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.
Sau khi nhận được đơn yêu cầu bồi thường của cháu bạn thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thụ lý, xác minh, thương lượng và ra quyết định giải quyết bồi thường. Trong trường hợp không thương lượng được hoặc cháu bạn không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Thư Viện Pháp Luật