Trộm gà bị xử lý như thế nào?
1. Về việc xử lý hành vi trộm cắp tài sản
1.1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Hình sự thì bạn của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản nếu tài sản có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Khung hình phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 138 là bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 138 (có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; gây hậu quả nghiêm trọng) thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 138 (chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; gây hậu quả rất nghiêm trọng), thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 138 (chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng), thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
1.2. Với người cùng thực hiện hành vi trộm cắp với bạn của bạn:
Bạn của bạn cần khai báo với cơ quan công an về người đã cùng thực hiện hành vi phạm tội với bạn của bạn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 về nguyên tắc xử lý hình sự thì Nhà nước có chính sách khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
Theo quy định tại Điều 20 của Bộ luật Hình sự thì người này là đồng phạm với bạn của bạn, do vậy người này cũng sẽ bị xử lý về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật Hình sự.
1.3. Trường hợp hành vi của bạn của bạn chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể như sau:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này”..
2. Về quy định thăm hỏi người bị tạm giam
Theo quy định tại điều 22 Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7 tháng 11 năm 1998 ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều), người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp. Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải bố trí buồng thăm gặp trong khu vực quản lý của mình để người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân trong trường hợp họ được phép. Luật sư hoặc người bào chữa khác được gặp người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tại buồng làm việc của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Người bị tạm giữ, tạm giam và thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác của người bị tạm giữ, tạm giam phải tuân thủ nội quy gặp gỡ. Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam tổ chức phổ biến nội quy gặp gỡ và cử cán bộ, chiến sĩ giám sát, đề phòng người bị tạm giữ, tạm giam bỏ trốn hoặc giao, nhận những vật bị cấm mang ra, mang vào Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.
Theo quy định của Nghị định số 98/2002/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP thì hình thức nhận quà của người nhà phạm nhân như sau:
“Một tháng không quá hai lần, người bị tạm giam được nhận quà và đồ dùng sinh hoạt của thân nhân gửi đến; người bị tạm giữ chỉ được nhận quà và đồ dùng sinh hoạt của thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ; định lượng quà cho mỗi ngày bị tạm giữ, tạm giam không được vượt quá hai lần tiêu chuẩn ăn hàng ngày.
Nghiêm cấm người bị tạm giữ, tạm giam dùng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích độc hại khác. Trưởng Nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam tổ chức tiếp nhận và kiểm tra chặt chẽ quà và đồ dùng sinh hoạt; loại bỏ các vật bị cấm và giao lại đầy đủ cho người bị tạm giữ, tạm giam; kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt quà, đồ dùng sinh hoạt của người bị tạm giam, tạm giữ. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể quà và đồ dùng sinh hoạt mà thân nhân người bị tạm giữ, tạm giam được phép gửi và quy định việc tổ chức bán các thứ cần thiết trong các trại tạm giam.
Việc sử dụng quà và đồ dùng sinh hoạt do thân nhân gửi được quy định cụ thể trong nội quy nhà tạm giữ, trại tạm giam".
Thư Viện Pháp Luật