Bồi thường thiệt hại về tai nạn giao thông, những chi phí nào được chấp nhận?
Trường hợp này được gọi là bồi thường thiệt hai ngoài hợp đồng, vì vậy việc bồi thường phải trên nguyên tắc: “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của Bộ luật Dân sự quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó”.
Các khoản chi phí chị có thể yêu cầu Tòa án giải quyết đó là: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có); khắc phục thẩm mỹ... (nếu có). Ngoài ra còn có các khoản khác như: Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm (Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng).
Trường hợp người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí (Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án).
Thư Viện Pháp Luật