Các dấu hiệu cơ bản của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng có những dấu hiệu cơ bản nào?

 Các dấu hiệu cơ bản của Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
 

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này tuy không phải chủ thể đặc biệt, nhưng nếu là chủ thể đặc biệt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sựt heo khoản 2 điều luật.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3  của điều luật; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

2. Các dấu hiệu thuộc về hành vi khách thể của tội phạm

Tội vi phạm quy định về xây dựng là tội xâm phạm đến dự an toàn  về xây dựng mà cụ thể là sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản trong quá trình khảo sát, thiết kế thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hoặc trong các lĩnh vực khác.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

a) Hành vi khách quan

Người phạm tội vi phạm quy định về xây dựng có thể thực hiện một trong các hành vi sau đây:

-         Vi phạm các quy định về khảo sát

Khi xây dựng một công trình dù là lớn hay nhỏ thì công việc khảo sát bao giờ cũng là công việc đầu tiên, khảo sát đúng là tiền đề cho thiết kế chính xác. Khảo sát như là sự khởi đầu của quá trình xây dựng. Thực tế có không ít công trình  do vi phạm các quy định về khảo sát nên dẫn đến chất lượng chất lượng công trình kém, thậm chí bị sụp đổ gây hậu quả nghiêm trọng.

Vi phạm các quy định về khảo sát là khảo sát không đúng, không đầy đủ các quy định của nhà nước về khảo sát. Ví dụ: khi khảo sát để xây dựng cầu X, Nguyễn Văn H đã không khảo sát đầy đủ  nên đã cung cấp những thông tin sai lệch về kết cấu địa tầng lòng sông, dẫn đến thiết kế các trụ cột không đảm bảo kỹ thuật, hậu quả xảy ra làm cho cầu X bị nứt, khi đưa vào sử dụng phải gia cố, khắc phục gây thiệt hại trên 2 tỷ đồng

- Vi phạm các quy định về thiết kế công trình, nói chung công việc này là do các kiến trúc sư đảm nhiệm. Tuy nhiên, đối với các công trình nhỏ của cá nhân hoặc các công trình không yêu cầu không kỹ thuật cao thì việc thiết kế thường do chính chủ đầu tư thực hiện. Dù là kiến thức sự hay do chủ đầu tư thiết kế mà vi phạm quy định về thiết kế, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng.

-Vi phạm các quy định về thiết kế là không thực hiện hoặc thực hiện  không đúng các quy định của nhà nước về thiết kế. Ví dụ: khi thiết kế nhà văn hóa tỉnh H.T, kiến trức sư Bùi Văn C đã tính toán sai các dữ kiện của dầm chịu lực nên công trình vừa hoàn thành thì trần nhà đã bị sập toàn bộ, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

-         Vi phạm các quy định về thi công

Tiếp theo khâu thiết kế, thì thi công là một khâu vô cùng quan trọng, một công trình dù có thiết kế đẹp, các thông số kỹ thuật đều đảm bảo an toàn, nhưng nếu thi công không đúng với thiết kế thì công trình cũng không thể đảm bảo; những công trình bị xuống cấp, bị hư hỏng, thậm chí chưa đưa vào sử dụng đã bị đổ, bị sập chủ yếu là do khâu thi công, những người tổ chức thi công hoặc trực tiếp thi công đã bớt vật tư, thiết bị.

Vi phạm các quy định về thi công thì thi công không đúng với thiết kế đã được phê duyệt như: Việc trộn bê tông không đúng quy trình kỹ thuật, không đảm bảo chất lượng, việc hàn các mối hàn không đảm bảo kỹ thuật.

-         Vi phạm các quy định về việc sử dụng nguyên liệu, vật liệu

Trong quá trình thi công một công trình, căn cứ vào thiết kế, đơn vị thi công phải tuân thủ các quy định về việc thiết kế, việc thay đổi nguyên liệu, vật liệu phải được sự đồng ý của bên thiết kế và chủ đầu tư, nếu bên thi công tự ý thay đổi việc sử dụng nguyên liệu, vật liệu là vi phạm và do việc thay đổi đó phải chịu trách nhiệm. Biểu hiện của hành vi này là bớt vật tư, thiết bị ( sắt thép, xi măng…), thay thế vật tư, thiết bị chất lượng xấu hơn so với thiết kế ( dùng sắt phi 10 hay thế phi 15, dùng xi măng mác 400 thay cho xi măng mác 500,…)

-         Vi phạm các quy định về sử dụng máy móc

Trong xây dựng, nhất là đối với các công trình lớn theo quy định một số hạng mục cần phải thi công bằng máy móc như cần cẩu, máy trộn bê tông, máy đầm,… Xã hội càng ngày càng phát triển, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng càng cao thì việc sử dụng máy móc để xây dựng càng phát triển, máy móc dần dần thay thế lao động chủ công là một tất yếu.

Hành vi vi phạm các quy định về sử dụng máy móc là việc sử dụng máy móc trong khi thi công không đúng quy định như: theo quy định thì việc trộn bê tông phải trộn bằng máy trộn bê tông, nhưng người phụ trách thi công lại quyết định trộn bằng tay, quy định là phải dùng máy đầm mặt đường nhưng lại đầm bằng tay…

-         Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình

Nghiệm thu công trình là khâu kết thúc của quá trình xây dựng. Nếu công trình khảo sát đúng khảo sát, đúng thiết kế, đúng thi công, không vi phạm gì về xây dựng thì việc nghiệm thu không có vấn đề gì. Tuy nhiên, những công trình xây dựng kém chất lượng, thậm chí bị hư hỏng nặng, bị sụp đổ,… là do khâu nghiệm thu đã bỏ qua các vi phạm trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công nên đã không phát hiện được những vi phạm. Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình không phải là hành vi vi phạm các quy định về xây dựng, mà là hành vi thiếu trách nhiệm trong khâu nghiệm thu nên đã lọt những vi phạm trong quá trình xây dựng dẫn đến những thiệt hại cho xã hội.

Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về nghiệm thu công trình như: công trình không đảm bảo chất lượng, không đúng với thiết kế nhưng vẫn nghiệm thu,…

-         Vi phạm các quy định khác về xây dựng

Khi liệt kê các hành vi vi phạm về xây dựng, nhưng vì thực tế trong xây dựng còn có thể có những hành vi vi phạm khác mà không thể liệt kê hết được nên nhà làm luật đã quy định có tính chất dự phòng để tránh tình trạng lọt tội.

Vi phạm các quy định khác về xây dựng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của nhà nước về xây dựng ngoài các hành vi  vi phạm về các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình.

Khi xác đinh hành vi vi phạm các quy định về xây dựng cần phân biệt với hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự. Ví dụ: người lao động làm việc trong hầm lò phải có thiết bị phòng hộ, nhưng người sử dụng lao động đã không trang bị phòng hộ, người lao động làm việc trong môi trường độc hại, không có thiết bị phòng độc, người lao động làm việc trên độ cao 100met không có dây an toàn… Những vi phạm này cũng là vi phạm có thể xảy ra trong quá trình thi công công trình nhưng đó là những vi phạm về an toàn lao động chứ không thuộc trường hợp vi phạm quy định về xây dựng.

b) Hậu quả

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nay, nếu hành vi vi phạm các quy định về xây dựng mà chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.

Thiệt hại về tính mạng là làm cho người khác bị chết do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra, điều này dễ xác định, nhưng việc xác định thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản thì tương đối phức tạp. Hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra.

Tuy nhiên, tội phạm này là tội phạm được thực hiện do vô ý nên việc xác định thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra cũng phải xem xét tương tự như  đối với các tội phạm khác do vô ý. Do đó, có thể căn cứ vào thông tư liên tịch số 02/2001/ TTLT- TANDTC- VKSNDTC- BCA- BTP để xác định trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra.

c) Các dấu hiệu khách quan khác

Ngoài hành vu khách quan và hậu quả, điều luật còn quy định dấu hiệu khách quan khác, đó là: các quy định về xây dựng của nhà nước  và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự.

Các quy định về xây dựng của Nhà nước nói chung tương đối đa dạng, chủ yếu do Bộ xây dựng ban hành, mỗi lĩnh vực xây dựng lại có quy định riêng. Vì vậy, khi xác định hành vi vi phạm quy định về xây dựng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy định về lĩnh vực đó, nếu thấy cần thiết phải trưng cầu giám định chuyên môn.

Phạm vi điều chỉnh của Điều 229 không bao gồm các hành vi vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự. Do đó, nếu người có hành vi vi phạm quy định về xây dựng nhưng đó là vi phạm về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng, mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quy định tại Điều 220.

4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm

Người thực hiện hành vi phạm tội vi phạm quy định về xây dựng thực hiện hành vi do vô ý mà chủ yếu là vô ý vì quá tự tin ( cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả), tức là người thực hiện hành vi vi phạm quy định về xây dựng thấy trước hành vi có thể gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm an toàn công cộng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào