Chuyển quyền sử dụng đất cho mẹ có điều kiện
Nếu bạn muốn chuyển quyền sử dụng đất cho mẹ bạn và sau khi mẹ bạn mất, tài sản bắt buộc phải sang tên lại cho bạn thì bạn có thể thực hiện các thủ tục sau:
Bước 1: Thực hiện thủ tục tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bạn sang cho mẹ bạn.
Bước 2: Sau đó, mẹ bạn lập di chúc để lại quyền sử dụng đất nêu trên cho bạn.
Trình tự, thủ tục cụ thể như sau:
1. Thủ tục tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bạn sang cho mẹ bạn.
a. Công chứng hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng đất
* Chủ thể tiến hành: Bạn và mẹ bạn
* Cơ quan tiến hành: Bất kỳ tổ chức công chứng nào trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản.
- Bộ hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:
+ Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
+ Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
+ Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
* Thủ tục: Thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 40, 41 Luật công chứng.
b. Đăng ký sang tên quyền sử dụng đất (theo quy định tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai 2013).
* Hồ sơ:
- Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Hợp đồng tặng cho/ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Các giấy tờ khác mà pháp luật quy định phải có.
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì tiến hành thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2. Lập di chúc
Sau khi cơ quan nhà đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mẹ bạn, mẹ bạn lập di chúc để định đoạt tài sản đó cho bạn. Khi di chúc có hiệu lực, bạn tiến hành thủ tục khai nhận di sản theo quy định.
Mẹ bạn có thể lựa chọn một trong các hình thức của di chúc:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có công chứng;
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Nội dung của di chúc bằng văn bản phải ghi rõ:
+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;
+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
+ Di sản để lại và nơi có di sản;
+ Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Lưu ý:
(i) Vì bạn mong muốn rằng bạn sẽ chuyển quyền sử dụng đất cho mẹ bạn và sau khi mẹ bạn mất, tài sản bắt buộc phải sang tên lại cho bạn nên phương án nêu trên là phương án tốt nhất cho bạn. Tuy nhiên, khi di chúc của mẹ bạn có hiệu lực, ngoài bạn ra, còn có thể có những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
Điều 669 Bộ luật dân sự quy định: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Ðiều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Ðiều 643 của Bộ luật này: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Nếu thuộc trường hợp trên , cho dù mẹ bạn để lại di chúc cho một mình bạn thì những người nêu trên cũng sẽ được hưởng di sản do mẹ bạn để lại.
(ii) Nếu mục đích của bạn là để chứng minh quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bạn, không liên quan đến vợ/chồng của bạn thì bạn có thể thực hiện theo phương án: Sau khi làm thủ tục tặng cho/chuyển nhượng từ bạn sang mẹ bạn và mẹ bạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như bước 1 nêu trên thì mẹ bạn sẽ thực hiện hợp đồng tặng cho chính thửa đất đó cho bạn.
Thư Viện Pháp Luật