Đăng ký kết hôn với người đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài
Về việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký kết hôn: Pháp Luật Hôn nhân, gia đình không bắt buộc cả hai người nam, nữ phải đến nộp hồ sơ đăng ký kết hôn vì vậy, để tiết kiệm thời gian, hai bạn có thể chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và một trong hai người thực hiện việc nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, để xác định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, theo nội dung bạn hỏi thì phải chia làm hai trường hợp như sau:
- Trường hợp thứ nhất: bạn trai của bạn chỉ làm việc có thời hạn ở nước ngoài, không được nước sở tại cho phép định cư lâu dài thì không thuộc trường hợp được đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài mà phải quay về đăng ký kết hôn theo thủ tục trong nước (theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 02a/2015/TT-BTP ngày 23/2/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài). Trong trường hợp này, khi thực hiện đăng ký kết hôn, bạn trai bạn sẽ phải về nước để tham dự lễ đăng ký kết hôn vì pháp luật yêu cầu bắt buộc phải có mặt hai bên nam nữ.
- Trường hợp thứ hai: bạn trai của bạn đã sinh sống lâu dài ở nước ngoài và được nước sở tại cho phép định cư, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài. Trong trường hơp này, ngoài việc phải có mặt tại lễ đăng ký kết hôn, bạn trai của bạn còn phải thực hiện thủ tục phỏng vấn trực tiếp tại Sở Tư pháp theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.
Bạn có thể căn cứ vào những phân tích trên, xem mình thuộc trường hợp nào để sắp xếp công việc, thời gian phù hợp thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn.
Thư Viện Pháp Luật