Thời hạn xét xử và việc thăm người đang bị tạm giam như thế nào?
1. Thời hạn xét xử
Thời hạn từ khi bị tam giam để điều tra đến khi truy tố, xét xử được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể như sau:
1.1. Giai đoạn điều tra
- Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì có thể gia hạn thời hạn tạm giam:
+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 01 tháng;
+ Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 02 lần, lần thứ nhất không quá 02 tháng và lần thứ hai không quá 01 tháng;
+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 02 lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng, lần thứ hai không quá 02 tháng;
+ Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 03 lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
- Đối với trường hợp phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại thì thời hạn tạm giam được quy định tại Điều 121 của Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:
+ Trong trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 165 của Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra. Đối với vụ án có tính chất phức tạp thì có thể gia hạn như sau: (1) Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng; (2) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được gia hạn điều tra một lần không quá 03 tháng.
+ Trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện kiểm sát hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra.
1.2. Giai đoạn truy tố
Thời hạn tạm giam để truy tố được quy định tại khoản 2 Điều 166 của Bộ luật Tố tụng hình sự, theo đó thời hạn tạm giam để truy tố không được quá thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều 166, cụ thể: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, thời hạn tạm giam là không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra; đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn tạm giam là không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra.
Trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn, nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
1.3. Giai đoạn xét xử sơ thẩm
Theo quy định tại Điều 177 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này. Theo đó, thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử đối với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá 30 ngày, đối với tội phạm nghiêm trọng là không quá 45 ngày, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là không quá 02 tháng, đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là không quá 03 tháng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án. Đối với những vụ án phức tạp, thời hạn này có thể được gia hạn, nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Việc thăm người đang bị tạm giam
Trong quá trình bị tạm giam, người bị tạm giam được quyền gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác theo quy định tại Điều 22 của Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam cụ thể như sau:
“2. Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định...
Việc người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với tổ chức nhân đạo được thực hiện theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo sự thoả thuận trực tiếp về từng trường hợp cụ thể giữa Nhà nước Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam hoặc với tổ chức nhân đạo. Trong các trường hợp tiếp xúc này cần có cán bộ, chiến sĩ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam giám sát và có thể có đại diện của cơ quan Ngoại giao Việt Nam hoặc đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng tham dự”.
Thư Viện Pháp Luật