Đình công hợp pháp
Căn cứ vào Điều 215 Bộ Luật lao động năm 2012 về những trường hợp đình công bất hợp pháp:
"1. Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
2. Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công.
3. Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
4. Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.
5. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công"
Theo đó, một cuộc đình công hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Cuộc đình công phải xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể.
Tranh chấp lao động tập thể bao gồm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Trong đó, tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp về việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp mà tập thể lao động cho rằng người sử dụng lao động vi phạm.
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp về việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.
2. Tranh chấp lao động tập thể đó phải được cơ quan có thẩm quyền giải quyết rồi, nhưng tập thể người lao động không đồng ý với phương án mà các cơ quan có thẩm quyền đưa ra trong quá trình giải quyết tranh chấp. Hoặc trong thời gian quy định mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp không tiến hành giải quyết tranh chấp, thì tập thể người lao động cũng có quyền tổ chức đình công.
3. Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động phải tổ chức lấy ý kiến về cuộc đình công theo quy định sau:
Đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có dưới ba trăm người lao động thì lấy ý kiến trực tiếp của người lao động; đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có từ ba trăm người lao động trở lên thì lấy ý kiến của thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Tổ trưởng tổ công đoàn và Tổ trưởng tổ sản xuất; trường hợp không có công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của Tổ trưởng, Tổ phó tổ sản xuất. Sau đó, Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động ra quyết định đình công bằng văn bản và lập bản yêu cầu khi có ý kiến đồng ý của trên 50% tổng số người lao động đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có dưới ba trăm người lao động hoặc trên 75% số người được lấy ý kiến đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có từ ba trăm người lao động trở lên.
4. Đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời tổ chức và lãnh đạo.
Đối với doanh nghiệp chưa có Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì việc tổ chức và lãnh đạo đình công phải do đại diện được tập thể lao động cử và việc cử này đã được thông báo với công đoàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc tương đương.
5. Doanh nghiệp nơi người lao động đình công không thuộc danh mục doanh nghiệp không được đình công theo quy định của Chính phủ.
Đối với những doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp không được đình công cho dù là đã tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về đình công thì cuộc đình công đó vẫn được xác định là bất hợp pháp.
6. Cuộc đình công phải do người lao động trong cùng một doanh nghiệp hoặc cùng một bộ phận doanh nghiệp tiến hành. Trường hợp người lao động ở các doanh nghiệp khác nhau tổ chức đình công thì cuộc đình công này được xác định là bất hợp pháp.
7. Cuộc đình công đó không bị hoãn hoặc ngừng đình công theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do vậy, người lao động trong các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, đặc biệt là công đoàn cơ sở cần có những hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện cho người lao động nắm rõ quy định của pháp luật, để việc tổ chức các cuộc đình công tuân thủ đúng quy định, từ đó bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động; duy trì và làm hài hoà mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp; góp phần ổn định tình hình trật tự của địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở.
Thư Viện Pháp Luật