Phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Về nguyên tắc, khi hợp đồng được giao kết một cách hợp pháp thì phải được các bên cam kết và thực hiện cam kết, tuy nhiên thực tế rất phổ biến tình trạng vi phạm cam kết trong hợp đồng. Vì vậy, phạt vi phạm được xem là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, là hình thức trách nhiệm do vi phạm vừa mang tính trừng phạt, vừa mang tính đền bù. Tuy nhiên không phải trong trường hợp nào điều khoản phạt vi phạm hợp đồng cũng phát huy hết chức năng và đảm bảo việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mỗi bên khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra do sự thỏa thuận của các bên khi giao kết hợp đồng cũng như quy định pháp luật về trường hợp phạt vi phạm và điều kiện để tiến hành phạt vi phạm.
Theo quy định tại Điều 422 Bộ luật dân sự quy định:
“1. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận.
3. Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.”
Điều 300 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này”.
Như vậy, việc hai công ty thỏa thuận trong hợp đồng rằng bên nếu bên nào vi phạm nghĩa vụ sẽ phải đền gấp 2 lần giá trị hợp đồng, tức là trong hợp đồng đã thỏa thuận về phạt vi phạm.
Tuy nhiên, về mức phạt vi phạm là gấp 2 lần giá trị hợp đồng cần xem xét lại.
Điều 301 Luật thương mại quy định: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”
Theo đó, việc quy định về mức phạt vi phạm là gấp 2 lần giá trị hợp đồng là không đúng, các bên phải thỏa thuận lại mức phạt vi phạm.
Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, Điều 307 Luật thương mại năm 2005 quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Trong đó, bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Và bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh giá trị bồi thường thiệt hại.
Tóm lại, công ty bạn có quyền yêu cầu công ty A trả một khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng (nhiều nhất là 8% giá trị hợp đồng) và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng (thiệt hại thực tế được chứng minh).
Thư Viện Pháp Luật