Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc
Điều 662 Bộ Luật Dân sự quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:
“ 1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.
Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ”
Cụ thể là:
- Sửa đổi di chúc: Người lập di chúc thay thế một phần quyết định cũ của mình đối với các phần trong di chúc trước đó. Sửa đổi di chúc thường sửa đổi ở các điểm sau:
+ Sửa đổi người được thừa kế;
+ Sửa đổi về quyền và nghĩa vụ cho người thừa kế;
+ Sửa đổi về câu chữ.
- Bổ sung di chúc: Người lập di chúc có quyền “bổ sung” di chúc đã lập. Phần bổ sung là phần thêm vào nội dung của di chúc (như di chúc trước đã lập không cho A hưởng nay “bổ sung” thêm cho A hưởng một phần tài sản). Nếu người lập di chúc bổ sung di chúc, mà phần di chúc bổ sung vẫn hợp pháp thì di chúc đã lập và phần di chúc bổ sung đều có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, có những trường hợp nếu phần di chúc đã lập và phần di chúc bổ sung mâu thuẫn với nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này được coi là sửa đổi di chúc.
- Thay thế di chúc: Thay thế di chúc là việc người để lại di sản lập di chúc khác thay thế cho di chúc cũ vì họ cho rằng những quyết định của mình trong di chúc trước không còn phù hợp với ý chí của mình nữa. Do đó, di chúc trước coi như không có, vì chính người lập di chúc hủy bỏ nếu như việc thay thế di chúc trong lúc họ còn minh mẫn sáng suốt. Một người lập nhiều di chúc vào các thời điểm khác nhau mà nội dung của các di chúc không phủ định lẫn nhau trong trường hợp này tất cả di chúc đều có hiệu lực. Nếu nội dung phủ định nhau thì coi đó là thay thế di chúc.
- Hủy bỏ di chúc: Là việc người để lại thừa kế từ bỏ di chúc của mình bằng cách không công nhận di chúc do mình lập ra là có giá trị. Trường hợp này được coi là không có di chúc. Do vậy, di sản thừa kế được giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc hủy bỏ di chúc có thể được thực hiện như sau:
+ Người lập di chúc tự tiêu hủy tất cả di chúc đã lập;
+ Người lập di chúc lập một di chúc khác tuyên bố hủy di chúc đã lập.
*Lưu ý: Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.Nhưng khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Như vậy, việc bố mẹ bạn không muốn để lại ngôi nhà cho em trai bạn nữa mà để lại cho bạn hoàn toàn có thể được. Lúc này, bố mẹ bạn có thể lựa chọn phương án sửa đổi di chúc (sửa đổi người được thừa kế) hoặc thay thế di chúc.
Thư Viện Pháp Luật