Thời điểm làm đơn yêu cầu thi hành án?
Căn cứ quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014), sau khi Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu thi hành án.
Căn cứ quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự, trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Do đó, trong trường hợp của bạn, nếu bạn không yêu cầu thi hành án sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà hết thời hiệu thi hành án, bạn không chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng thì cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền sẽ từ chối yêu cầu thi hành án của bạn.
Trong quá trình tổ chức thi hành án, nếu xác minh người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù nhưng có tài sản thì cơ quan thi hành án vẫn xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án cho bạn, nếu không có tài sản mà người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù giam thì cơ quan thi hành án sẽ xác minh và ra quyết định hoãn thi hành án căn cứ quy định tại Điều 48 Luật Thi hành án dân sự.
Về việc lập vi bằng, theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì vi bằng “là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác". Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ban hành ngày 28/02/2014 quy định: "Vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật".
Về bản chất, vi bằng được Thừa phát lập với mục đích là tạo lập chứng cứ để tổ chức, cá nhân tùy nghi sử dụng trong xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi có thật mà Thừa phát lại chứng kiến, trong đó, Thừa phát lại mô tả lại những gì mình thấy được, nghe được,… vào vi bằng, kèm theo có thể là hình ảnh, quay phim để làm rõ thêm sự kiện lập vi bằng như là chụp lại một sự kiện, hành vi. Do đó, vi bằng không phải là hợp đồng, giao dịch, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quá trình lập vi bằng. Chỉ những hành vi, những tuyên bố, cam kết, thỏa thuận, xác nhận… của các bên tham gia vào quá trình lập vi bằng, tương ứng với những quy định pháp luật có liên quan mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật, và họ tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Do đó, trong thời hiệu yêu cầu thi hành án, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, bạn nên yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thụ lý yêu cầu thi hành án của bạn và ra quyết định thi hành án để tổ chức thi hành theo quy định.
Thư Viện Pháp Luật