Thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng.
Việc công ty của anh gửi thư chào hàng tới đối tác X chính là gửi thư đề nghị giao kết hợp đồng.
Bộ luật Dân sự quy định về thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng, như sau:
“1. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;
b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
2. Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị đó được coi là đề nghị mới.”
Theo đó, công ty anh chỉ có thể rút lại đề nghị giao kết hợp đồng khi có một trong hai điều kiện sau:
- Thời điểm công ty X nhận được thông báo về việc rút lại đề nghị trước hoặc cùng lúc với thời điểm nhận được đề nghị.
- Trong đề nghị giao kết hợp đồng anh đã gửi cho công ty X có nội dung nêu rõ về việc được rút lại đề nghị khi có một điều kiện phát sinh và điều kiện đó phát sinh thì công ty anh có quyền rút lại đề nghị.
Trường hợp công ty X đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng rồi hoặc trong đề nghị không nói về điều kiện phát sinh việc rút lại đề nghị, thì công ty anh có thể thông báo hủy hợp đồng theo quy định tại Điều 393 BLDS:
“Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng”.
Vì anh không nói rõ nội dung của thư chào hàng và các tình tiết cụ thể, nên anh có thể căn cứ vào các trường hợp trên để xử lý cho phù hợp.
Thư Viện Pháp Luật