Từ chối nhận di sản thừa kế?
Thứ nhất, bạn có quyền từ chối nhận phần di sản mà bố dượng bạn đã chia cho bạn theo nội dung di chúc. Tuy nhiên, nếu bạn từ chối nhận di sản của bố dượng nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác thì theo quy định của pháp luật bạn không được từ chối. Trong trường hợp này, dù bạn không mong muốn nhận di sản thì theo luật định bạn vẫn phải nhận di sản.
Thứ hai, thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế. Bạn phải lập văn bản về việc từ chối nhận di sản. Ngoài ra, bạn phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc bạn từ chối nhận di sản.
Thứ ba, thời hạn từ chối nhận di sản. Theo quy định của pháp luật “Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế”. Như vậy, trong 6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế - thời điểm bố dượng bạn mất, bạn phải tiến hành thủ tục từ chối nhận di sản. Nếu sau 6 tháng mà bạn không tiến hành thủ tục từ chối nhận di sản thì xem như bạn đã đồng ý nhận di sản thừa kế của bố dượng bạn.
Khoản 2 Điều 675 BLDS có quy định thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
“a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế”.
Bạn từ chối nhận di sản thì phần di sản mà bạn từ chối nhận sẽ được chia theo pháp luật, theo diện và hàng thừa kế. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại” (Điều 676 BLDS).
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Thư Viện Pháp Luật