Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý 1 tài sản được thế chấp cho nhiều khoản nợ
Theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2005, khi xử lý tài sản để thanh toán trong trường hợp tài sản đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ thì việc thanh toán được thực hiện theo nguyên tắc:
- Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thoả thuận khác.
Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thoả thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn. (Khoản 3 Điều 324 BLDS)
- Thứ tự ưu tiên thanh toán (Điều 325 BLDS):
Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký;
Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán;
Trong trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà các giao dịch bảo đảm đều không có đăng ký thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm.
Như vậy, anh nói khi xử lý tài sản để thanh toán thì thứ tự thanh toán theo thứ tự kết hợp đồng thế chấp là không chính xác.
Thứ tự ưu tiên căn cứ vào thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm, trong trường hợp có giao dịch đăng ký có giao dịch không thì giao dịch đăng ký được ưu tiên trước, trong trường hợp các giao dịch đều không đăng ký thì thứ tự ưu tiên mới theo thứ tự ký kết hợp đồng thế chấp.
Thư Viện Pháp Luật