Người làm công, người học việc gây thiệt hai
Trong trường hợp của bạn phải xác định được hai mấu chốt chủ yếu:
Thứ nhất, ai phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 604 BLDS 2005: "Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường". Người thợ học việc là người trực tiếp gây thiệt hại về tài sản, sức khoẻ cho người bị hại. Mặt khác, thiệt hại mà thợ học gây ra cho người bị hại không phải khi đang thực hiện công việc được giao. Vì vậy, Thợ học việc phải tự bồi thường thiệt hại về sức khoẻ và tài sản cho người bị hại.
Thứ hai, ai phải bồi thường thiệt hại chiếc xe máy của khách mà thợ học việc làm hư hỏng?
Chiếc xe máy do khách giao cho cửa hàng của bạn sửa chữa. Vì vậy, bạn với tư cách là chủ cửa hàng phải có nghĩa vụ trông giữ, bao quản. Việc thợ học việc của bạn làm hư hỏng xe của khách, thì bạn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Theo Điều 622 BLDS 2005 – Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
Trong trường hợp này, người thợ học việc cũng có lỗi đã tự ý lấy xe đi (mới 16 tuổi nên chưa có bằng lái) và không làm chủ được tốc độ gây thiệt hại cho người bị hại. Chính vì thế, người thợ học việc sẽ phải hoàn trả cho bạn một khoản tiền theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng người thợ học việc chỉ mới 16 tuổi nên nếu người thợ này không có đủ tài sản để bồi thường thì bạn có thể yêu cầu người đại diện của thợ học việc (bố mẹ hoặc người giám hộ) bồi thường phần còn thiếu theo Điều 606 BLDS 2005.
Thư Viện Pháp Luật