Bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Về nguyên tắc, Khoản 1, Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:“Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Tuy nhiên, qua vụ việc xảy ra với bạn có liên quan đến phương tiện giao thông. Do đó, cần xác định phương tiện giao thông trong vụ việc có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không vì pháp luật có các quy định riêng về trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 và mục III của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định” Để xác định phương tiện giao thông vận tải nào là nguồn nguy hiểm cao độ cần dựa vào các quy định của pháp luật về giao thông. Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự”.
Đối chiếu với vụ việc của bạn, ô tô chính là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nên trường hợp này thiệt hại được pháp luật xác định là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
Khoản 3 Điều 623 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: “Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Và được cụ thể tại Điểm c khoản 2 Mục III Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP: Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật để áp dụng vào trường hợp của bạn thì có thể thấy rằng cô gái đã tự ý lao vào xe bạn, đây hoàn toàn do lỗi của cô ấy, Bạn không phải bồi thường chi phí điều trị cho cô ấy. Nhưng xuất phát từ tình cảm, cách ứng xử giữa người với người, thiết nghĩ bạn nên san sẻ một phần nào đó với gia đình nạn nhân. Để giúp gia đình nạn nhân vơi đi sự mất mát quá lớn như thế!
Thư Viện Pháp Luật