Hộ khẩu KT3 tại TPHCM
1/ Sự khác nhau của HKTT và KT3:
- Hộ khẩu thường trú là :Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
- KT3 là: Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
2/ Việc gọi nghĩa vụ quân sự sẽ do nơi đăng ký hộ khẩu thường trú quản lí. Do vậy trường hợp của em sẽ được UBND cấp xã, phường nơi em đăng ký HKTT quản lí
3/ thủ tục để xin cấp sổ tạm trú:
1. Thủ tục đăng ký tạm trú
a) Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu.
- Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 5 Nghị định số l07/2007/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở). Đối với trường hợp thuê, mượn. ở nhờ chỗ ở hợp pháp thì khi đăng ký tạm trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký tạm trú của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm.
Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đăng ký thường trú.
b) Người tạm trú được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ tạm trú hoặc chủ hộ đồng ý cho đăng ký tạm trú tại nơi thường trú của chủ hộ thì việc đồng ý phải được ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm.
c) Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
d) Khi cấp sổ tạm trú cho công dân, cán bộ trả kết quả có trách nhiệm thu lệ phí đăng ký cư trú theo quy định.
2. Cấp sổ tạm trú
a) Sổ tạm trú được cấp cho cá nhân, hộ gia đình đăng ký tạm trú theo quy định tại Điều 30 Luật Cư trú và hướng dẫn lại Thông tư này, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn.
Học sinh, sinh viên, học viên ở trong ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên, nếu từng người có nhu cầu đăng ký tạm trú và cấp sổ tạm trú riêng thì được cấp riêng; trường hợp không có nhu cầu cấp riêng sổ tạm trú thì cơ quan, tổ chức có văn bản đề nghị đăng ký tạm trú, kèm theo danh sách và được ghi vào sổ đăng ký tạm trú. Danh sách bao gồm các thông tin cơ bản từng cá nhân: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, số chứng minh nhân dân, nơi cư trú trước khi đến, địa chỉ chỗ ở hiện nay.
b) Trường hợp sổ tạm trú bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Sổ tạm trú được đổi, cấp lại có số, nội dung như sổ tạm trú đã được cấp.
Thủ tục đổi, cấp lại sổ tạm trú bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Sổ tạm trú bị hư hỏng (đối với trường hợp đổi sổ tạm trú).
c) Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Công an xã, phường, thị trấn phải đổi, cấp lại sổ tạm trú cho công dân.
d) Công dân thay đổi nơi tạm trú ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn thì được cấp sổ tạm trú mới; các trường hợp đã cấp giấy tạm trú có thời hạn theo quy định trước đây vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng nếu còn thời hạn.
đ) Quá trình đăng ký tạm trú nếu có sai sót của cơ quan đăng ký trong khi ghi sổ tạm trú thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày công dân đề nghị, cơ quan đăng ký tạm trú phải có trách nhiệm điều chỉnh trong sổ tạm trú cho phù hợp với hồ sơ đăng ký tạm trú.
e) Người tạm trú có trách nhiệm bảo quản, sử dụng sổ tạm trú theo đúng quy định. Phải xuất trình sổ tạm trú khi cán bộ Công an có thẩm quyền kiểm tra. Nghiêm cấm sửa chữa, tẩy xoá, thế chấp, cho mượn, cho thuê hoặc sử dụng sổ tạm trú trái pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật