Người bị tước quyền thừa kế
Theo quy định của pháp luật, hành vi con giết bố là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hành vi trên của em trai bạn giết người nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản để lấy tiền mua thuốc và tiêu xài được xem là giết người với động cơ đê hèn. Nạn nhân không phải ai khác mà chính là cha đẻ của thủ phạm. Điều này trái với pháp luật, truyền thống văn hóa và đạo đức của người Việt Nam.
Bố bạn trước khi chết có để lại di chúc, trong đó em trai được hưởng hai phần, còn bạn được một phần. Sự phân chia này hoàn toàn phụ thuộc vào ý nguyện của người để lại tài sản. Nhưng không phải mọi trường hợp người có tên trong di chúc cũng được hưởng tài sản của người chết để lại. Tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng, danh dự, nhân phẩm của người khác;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ ý chí của người để lại di sản.
Em trai giết bố để chiếm đoạt tài sản có thể bị kết án vào tội cố ý giết người. Hành vi của em trai bạn được xem là một trong các căn cứ để tước quyền thừa kế, mặc dù người này có tên trong di chúc của người để lại di sản.
Tại Khoản 2 Điều 634 BLDS 2005 quy định: “những người quy định tại Khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản thừa kế”. Theo như lời bạn trình bày, bố bạn đã lập di chúc trước khi bị giết. Hành vi lên kế hoạch giết người của em trai bạn và đồng bọn, bố bạn hoàn toàn không hề hay biết. Ông ấy bị giết một cách bất ngờ và đột ngột nên không thể nào quyết định được việc cho em bạn tiếp tục hưởng thừa kế như bản di chúc đã lập.
Em trai bạn là người có quyền được hưởng thừa kế nhưng chính hành vi xâm phạm tới tính mạng của người để lại di sản đã làm cho anh ta bị tước quyền thừa kế. Do đó, em trai bạn sẽ không có quyền hưởng di sản thừa kế từ người đã mất mặc dù đã được chia phần trong di chúc.
Thư Viện Pháp Luật