Phân chia di sản thừa kế.
Người ông mất không để lại di chúc nên phần di sản sẽ được chia theo pháp luật. Tại Điểm a Khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:“người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Căn cứ vào quy định trên thì mẹ bạn, hai dì và cậu đều ở trong một hàng thừa kế nên được hưởng phần di sản bằng nhau. Thời điểm mở thừa kế mẹ bạn vẫn còn sống nên vẫn được hưởng phần thừa kế trên và sẽ được cộng vào làm tài sản riêng của bà ấy.
Pháp luật cho phép hưởng thừa kế kể cả lúc chết trước hoặc chết sau thời điểm mở thừa kế. Nếu người được hưởng chết trước thời điểm mở thừa kế thì con của người đó sẽ được nhận. Pháp luật gọi đó là thừa kế thế vị, được quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự 2005: “trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Nếu chết sau thời điểm mở thừa kế thì về mặt pháp lý người đó đã được nhận và phần tài sản đó sẽ được cộng vào khối tài sản riêng của họ.
Việc các dì và cậu bạn cho rằng mẹ bạn mất trong tiến trình phân chia di sản nên di sản của ông sẽ được chia lại làm ba phần là hoàn toàn không đúng pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật