Vay tiền chưa có khả năng trả nợ có phạm tội lừa đảo không

Tháng 3 năm 2012, do thiếu vốn làm ăn, em tôi (tên H.) có vay của chị M. số tiền là 50 triệu đồng, lãi suất là 6 triệu/tháng. Cho đến tháng 6 năm 2014, H vẫn trả lãi đầy đủ. Từ tháng 7/2014, do kinh doanh khó khăn, nên việc trả lãi không được đều đặn. Bởi vậy, tiền lãi và tiền gốc thành 83 triệu đồng. H đã chủ động xin chị M ấy không tính lãi thêm nữa để trả dần 83 triệu. Cuối năm vừa qua, H cố gắng trả được cho chị M 10 triệu đồng. Từ đầu năm 2015 chị M liên tục đòi tiền. Nhưng do đang rất khó khăn nên H xin chị M cho trả trước 25 triệu đồng, số còn lại sẽ cố gắng trả tiếp trong thời hạn 1 năm. Chị M không đồng ý, ép H phải trả một nửa, số còn lại phải trả nốt trong tháng 5/2015, nếu không sẽ kiện H lên Công an về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xin tư vấn cho em H có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo không?

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được Bộ luật Hình sự quy định tại khoản 1 Điều 139 như sau.
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì H chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản trong trường hợp ngay từ đầu, H dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền của chị M. Chẳng hạn như H cố ý thông báo sai sự thật để làm cho chị M tin nhằm chiếm đoạt tài sản. Căn cứ vào thông tin mà bạn cung cấp, đối chiếu với quy định nêu trên, hành vi của em bạn không cấu thành tội lừa đảm chiếm đoạt tài sản.
Trên thực tế giữa H và chị M đã giao kết một hợp đồng dân sự (vay tài sản) theo quy định tại Điều 471 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Với tư cách là bên vay, H phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Điều 474 của Bộ luật Dân sự, cụ thể như sau:
- H phải trả đủ tiền khi đến hạn; trừ trường hợp có thoả thuận khác.
- Nếu H không thể trả tiền vay thì có thể trả bằng tài sản khác với điều kiện được chị M đồng ý
- Khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Do vậy, người vay (em bạn) cần cố gắng để trả nợ cho chị M. 
Như trên đã phân tích, không có căn cứ để chị M tố cáo H về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây chỉ là vụ việc dân sự, không phải vụ án hình sự. Cần lưu ý rằng chị M có quyền khởi kiện H ra Tòa án để yêu cầu trả nợ trong trường hợp đến hạn mà H không trả hết nợ cho chị M.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm sở hữu

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào