Điểm chỉ trong hợp đồng
Việc điểm chỉ trong văn bản công chứng được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 48 Luật Công chứng 2014, theo đó:
“2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
3. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:
a) Công chứng di chúc;
b) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
c) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.”
Căn cứ theo quy định trên thì việc điểm chỉ thực hiện đồng thời với việc ký đối với:
- Di chúc công chứng
- Theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng
- Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng
Trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng mua bán, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu không rơi vào trường hợp quy định tại khoản 2 nêu trên, người yêu cầu công chứng không có yêu cầu; công chứng viên thấy không cần thiết thì không bắt buộc phải điểm chỉ vào văn bản công chứng. Trường hợp công chứng viên thấy cần thiết thì công chứng viên có quyền yêu cầu điểm chỉ vào văn bản công chứng.
Thư Viện Pháp Luật