Ưu tiên thanh toán khi kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp
Trường hợp bạn hỏi không nêu cụ thể tài sản đã kê biên của người phải thi hành án thế chấp tại ngân hàng trước hay sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, do đó chúng tôi đưa ra quy định pháp luật để bạn vận dụng vào tình huống của bạn, cụ thể:
Nếu tài sản được thế chấp kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì xử lý theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/20105 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự: Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Nếu tài sản được thế chấp trước thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì xử lý theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự:
“1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.
2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này”. Do đó, theo quy định này thì bạn không được ưu tiên thanh toán.
Thư Viện Pháp Luật