Xử phạt "tội ngoại tình"?
Do không được quy định trong Bộ luật Hình sự, nên không thể xử phạt "tội ngoại tình".
Theo Điều 147 Bộ luật Hình sự, chỉ có thể truy cứu khi hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây “hậu quả nghiêm trọng” hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Việc vi phạm chế độ một vợ một chồng thông thường được biểu hiện bằng việc chung sống như vợ chồng.
Thế nào là chung sống như vợ chồng?
Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định tại Chương XV tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình theo bộ luật hình sự 1999. Theo đó, "chung sống như vợ chồng" là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
Trường hợp "bắt tận tay" việc chồng chị với cô ấy quan hệ nam nữ tại nhà trọ thì chị cũng khó yêu cầu UBND phường sở tại xử phạt hành chính. Bởi cả 2 đều không đăng ký tạm trú tại phường. Những chứng cứ cần thiết như có tài sản chung, có con chung... đều không có. Hơn nữa, họ đi lại lén lút, hàng xóm có ai dám nói họ sống chung như vợ chồng? Nếu chị làm to chuyện, thì công an phường xử lý hành chính chồng chị và chị ta về hành vi... không khai báo tạm trú mà thôi. Còn chuyện “bồ bịch” thì không thể phạt!
Trong điều kiện xã hội hiện nay trường hợp ngoại tình của chồng chị không phải ngoại lệ. Nhiều trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng mà “nửa kia” đành bó tay, vì không thể yêu cầu xử lý hình sự được. Bởi, theo Điều 147 Bộ luật Hình sự, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng một khi gây “hậu quả nghiêm trọng” hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Hậu quả đó là làm cho gia đình của một bên hoặc cả hai bên tan vỡ, dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, hoặc có con chung, người phụ nữ có hành vi tranh cướp chồng, người chồng đánh đập, ngược đãi vợ con; lấy tài sản chung của gia đình để chu cấp cho “bên kia”; nghe lời người tình thúc ép xin ly hôn... Khó tìm chứng cứ về việc chung sống như vợ chồng.
Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, tài sản chung, được hàng xóm coi như vợ chồng, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó. Nói là vậy, nhưng xác minh chuyện này không hề dễ.
Rất nhiều bà vợ thuê người đi theo dõi chồng mình. Chụp ảnh ở tầm gần thì dễ lộ, ảnh mờ mờ thì... khó chứng minh, chưa kể nhiều khi chỉ chụp được cảnh các đôi này đi ăn uống, cùng đi "tay trong tay" tình tứ, chứ khó mà ghi được hình ảnh trong lúc "mặn nồng" ở nhà nghỉ? Đã là quan hệ nam nữ 'ngoài luồng" thì mấy ai công khai, nên khó làm chứng họ sống “như vợ như chồng”...
Việc ngoại tình mà có con chung là chứng cứ quan trọng để xem xét trách nhiệm hình sự. Trường hợp trong giấy khai sinh của con ghi rõ tên người cha, đồng thời người cha cũng thừa nhận thì đi một lẽ. Nhưng nếu họ phủ nhận thì việc chứng minh gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp, người chồng ngoại tình để lại "hậu quả" và đàng hoàng đứng tên khai sinh cho con ngoài giá thú, nhưng khi vợ truy hỏi lại chối bay hoặc cho rằng là sự ngẫu nhiên trùng lặp... Để xác định huyết thống người ta thường đi giám định ADN, mặc dù kinh phí khá tốn kém. Nhưng không phải lúc nào cũng làm được điều này. Trong tố tụng dân sự, nếu nếu đương sự không tự nguyện thì không có chế tài bắt buộc, nên nhiều trường hợp Tòa án cũng "bó tay".
Thực tế cho thấy, trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng không hiếm, nhưng "người trong cuộc" rất ít khi bị xử phạt hành chính, lại càng khó bị xử lý hình sự. Bởi tìm đủ yếu tố cấu thành loại tội phạm này không dễ dàng.
Thư Viện Pháp Luật