Để lại tài sản cho con khi ly hôn
Vì không biết con trai của hai bạn bao nhiêu tuổi nên chúng tôi chia ra hai trường hợp sau:
- Trường hợp thứ nhất: con trai của hai bạn là người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự.
Trong trường hợp này, hai bạn có thể lập hợp đồng tặng cho tài sản hoặc lập văn bản thỏa thuận về tài sản. Theo đó:
+ Về hợp đồng tặng cho tài sản: việc ký kết hợp đồng tặng cho tài sản giữa hai bạn và con trai bạn phải được thực hiện thông qua người giám hộ. Người giám hộ ở đây có thể là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, hoặc bác, chú, cậu, cô, dì của cháu bé.
Tuy nhiên, theo quy định về giám hộ thì trường hợp giám hộ con chưa thành niên chỉ đặt ra khi cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và nếu cha, mẹ có yêu cầu.
+ Về văn bản thỏa thuận về tài sản: hai vợ chồng bạn có thể lập văn bản để thỏa thuận với nhau về các nội dung như:
Nội dung về việc tặng cho tài sản: Hai vợ chồng bạn sẽ thống nhất tặng cho tài sản đó cho con; khi có đủ điều kiện thì hai vợ chồng sẽ tiến hành thủ tục tặng cho con theo quy định của pháp luật.
Nội dung về việc quản lý tài sản ở thời điểm hiện tại: Hai vợ chồng bạn có thể thỏa thuận về việc ai sẽ thay mặt mình quản lý tài sản.
- Trường hợp thứ hai: con trai của hai bạn là người đã thành niên, có năng lực hành vi dân sự.
Trong trường hợp này, hai bạn nên lập hợp đồng tặng cho tài sản, việc ký kết hợp đồng tặng cho được thực hiện giữa hai bạn và con trai mình.
Và trong cả hai trường hợp nêu trên, vì tài sản để lại là bất động sản nên hợp đồng tặng cho và văn bản thỏa thuận về tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực.
Thư Viện Pháp Luật