Tặng quyền sử dụng đất cho người mắc bệnh tâm thần
1. Về việc tặng cho quyền sử dụng đất.
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật về đất đai. Gia đình bác hoàn toàn có quyền tặng cho thửa đất thuộc quyền sử dụng của mình cho con bác. Tuy nhiên, khi giao kết hợp đồng tặng cho, gia đình bác phải lưu ý về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch.
Điều 122 Bộ luật dân sự 2005 quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
- Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Điều 47 Luật công chứng 2014 cũng nêu rõ: “Người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự.”
Theo thông tin bác cung cấp, con bác có bệnh án tâm thần nên thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 22 Bộ luật dân sự 2005. Cụ thể, Điều 22 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”.
Trong trường hợp này, con bác không thể tự mình đứng ra nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ bố mẹ. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự như con bác phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
2. Thủ tục giám hộ.
Trước hết, gia đình bác nộp đơn yêu cầu tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Đơn yêu cầu phải có đầy đủ các nội dung sau:
+ Ngày, tháng, năm viết đơn;
+ Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết đơn;
+ Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
+ Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó;
+ Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có;
+ Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu;
+ Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.
- Kèm theo đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
- Nơi nộp đơn: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của con bạn.
Về người giám hộ của con bác:
Ðiều 62 Bộ luật dân sự 2005 quy định người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
- Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
- Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.
- Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Sau khi có quyết định của tòa án tuyên bố con bác mất năng lực hành vi dân sự, người giám hộ của con bác có thể đứng ra thực hiện thủ tục nhận tặng cho tài sản cho con bác với tư cách là người đại diện theo pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật