Khi sức khỏe yếu thì có được giảm án hay không?
Tại Điều 58 Bộ luật Hình sự quy định: người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ 30 năm trở xuống, 12 năm đối với tù chung thân.
Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên. Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống ba mươi năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là hai mươi năm.
Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc hai mươi năm nếu là tù chung thân.
Tuy nhiên, tại Điều 59 Bộ luật Hình sự cũng quy định việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặt biệt như sau: Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì tòa án có thể xem xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định tại Điều 58 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp bố của chị bị bệnh mãn tính, sức khỏe yếu thì bố chị có thể làm đơn trình bày sự việc, kèm theo các chứng từ liên quan và gửi đến Tòa án, nơi đã xét xử để được xem xét, giải quyết. Nhưng bố chị có được xem xét giảm án hay không là do Tòa án, nơi đã gửi đơn quyết định.
Thư Viện Pháp Luật