Gây tai nạn chết người có phải đi tù không?
Theo Khoản 1 Điều 202 Bộ Luật hình sự:
“Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”
Điều 3 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 Bộ luật hình sự):
"Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản"
Dấu hiệu cấu thành tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông quy định tại Điều 202 BLHS cụ thể là:
- Khách thể của tội phạm: Tội xâm phạm đến tính mạng sức khỏe, tài sản của người khác.
- Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ như vi phạm tốc độ, chở quá trọng tải cho phép, vượt trái phép, không tuân thủ tín hiệu giao thông,…gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
Trong trường hợp này, hậu quả được phản ánh là dấu hiệu bắt buộc nên mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và hậu quả cũng là dấu hiệu bắt buộc. Nghĩa là hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông đường bộ phải là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
- Chủ thể của tội phạm: Người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thể hiện do lỗi vô ý (vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả)
Như vậy, việc bạn của bạn vượt đèn đỏ chính là hành vi không thực hiện quy tắc an toàn giao thông đường bộ khi tham gia giao thông và do hành vi vượt đèn đỏ bạn của bạn đã đâm vào 1 người đi xe đạp, làm người đó chết ngay tại chỗ chính là các dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự.
Do đó, ngoài việc bồi thường cho người chết, bạn của bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Và tùy theo các tình tiết của vụ việc, nhân thân của người phạm tội, Tòa án sẽ tuyên án theo khung hình phạt như sau:
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Thư Viện Pháp Luật