Có được làm lại giấy khai sinh cho con theo họ mẹ?
Theo thông tin bạn đưa ra thì con của bạn mới 10 tháng tuổi, do vậy chồng bạn không có quyền ly hôn đối với bạn. Khoản 3, Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Chồng không có quyền ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Như vậy, việc ly hôn khi con dưới 12 tháng tuổi chỉ được thực hiện khi hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn, hoặc người vợ đơn phương ly hôn. Cũng theo quy định tại khoản 3, Điều 81, Luật hôn nhân và gia đình 2015 thì“Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Do đó, khi bạn ly hôn thì quyền nuôi con sẽ thuộc về bạn trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện nuôi con như: Bị bệnh tật, tai nạn mà không thể chăm sóc bản thân, không thể chăm sóc, nuôi dạy con như một người bình thường...
Đối với việc thay đổi nội dung giấy khai sinh của con: Thủ tục này gọi là thay đổi, cải chính hộ tịch. Thủ tục này là quyền nhân thân được Hiến pháp và pháp luật quy định, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.
Cụ thể: Sau khi ly hôn, bạn muốn thay đổi giấy khai sinh của con mình theo họ của mẹ và để trống tên bố. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc thay đổi như trên theo nguyện vọng của bạn là không thể thực hiện được.
Khi con chưa thành niên thì quyền nhân thân (tên, họ) là do cả cha và mẹ quyết định. Nếu đứa trẻ có cha đẻ đã được xác định thì bắt buộc phải ghi tên cha vào giấy khai sinh - đây là quyền nhân thân của trẻ em mà không ai có thể tước đoạt.
Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo quy định tại Điều 27, Bộ luật dân sự thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:
“a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;
đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;
g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định”.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 36 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch đã cho phép một số trường hợp được thay đổi, cải chính liên quan đến hộ tịch, trong đó bao gồm thay đổi họ, tên, chữ đệm đã đăng ký trong giấy khai sinh khi cá nhân có yêu cầu thay đổi với lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thì “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”.
Theo đó, cả vợ và chồng đều có quyền và nghĩa vụ nhất định đối với con của mình kể cả khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Vì vậy, việc yêu cầu đổi họ tên cho con theo yêu cầu của một bên là vợ hoặc chồng đều phải được sự đồng ý của bên còn lại.
Trường hợp của bạn, việc đổi họ tên cho con bạn phải được sự đồng ý của chồng bạn, kể cả sau này bạn kết hôn với người khác và lấy họ tên của con theo người chồng mới. Việc bạn muốn để trống tên của cha đứa trẻ trong giấy khai sinh là hoàn toàn không thể thực hiện được.
Thư Viện Pháp Luật